Để đánh giá mức sống dân cư phục vụ hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 1993 đến nay Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra mức sống dân cư. Mục đích của KSMS nhằm theo dõi và giám sát một cách có hệ thống mức sống các tầng lớp dân cư Việt Nam; giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo; góp phần đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. KSMS tại tỉnh Nam Định được tiến hành theo Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê hằng năm.
Trong mười năm 2010-2020, tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh ở cả thành thị và nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người 1 tháng chung toàn tỉnh năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4.096 nghìn đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2010. Trong đó: Thành thị đạt 5.324 nghìn đồng, gấp 3,6 lần; nông thôn đạt 4.061 nghìn đồng, gấp 3,4 lần so với năm 2010.
Hình 1. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị - nông thôn
Đơn vị tính: Nghìn đồng

Nhóm hộ giàu nhất (nhóm 5) có TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 8.631 nghìn đồng, cao gấp 5,2 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 1) với mức thu nhập đạt 1.670 nghìn đồng.
Hình 2. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo 5 nhóm thu nhập
Đơn vị tính: Nghìn đồng

Cũng theo kết quả khảo sát, trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 43,4%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 8,3%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 36,4%, thu khác chiếm 11,9%.
Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.
Hình 3. Cơ cấu thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo nguồn thu
Đơn vị tính: %
