1. Đánh giá chung
(1) Trong mười năm (2011-2020), các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước tạo môi trường thông thoáng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển nhanh về số lượng. Sự phát triển của khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong mười năm (2011-2020).
(2) Sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp mười năm (2011-2020) diễn ra ở tất cả các địa phương trong tỉnh, các ngành kinh tế và các thành phần kinh tế (trừ khu vực doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm dần do chủ trương của Nhà nước thông qua cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước). Đặc biệt, một số địa phương số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh như: Thành phố Nam Định, huyện Xuân Trường, huyện Ý Yên, huyện Hải Hậu.
Theo ngành kinh tế, khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp, xây dựng có sự phát triển về quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh trong mười năm (2010-2020); các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quy mô còn nhỏ so với hai khu vực trên.
(3) Mặc dù phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, đầu tư vốn, thu hút lao động trong cả mười năm (2011-2020) nhưng quy mô doanh nghiệp tỉnh Nam Định chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm trên 91% toàn bộ doanh nghiệp), chỉ có 3% là các doanh nghiệp có quy mô lớn. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân và số lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh bình quân trên 1000 dân chỉ đạt mức thấp so với cả nước và khu vực Đồng bằng sông Hồng.
(4) Doanh nghiệp phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ trong mười năm (2011-2020) nhưng chủ yếu là tăng trưởng nhanh về bề rộng (tăng số doanh nghiệp, lao động, vốn,...). Nhìn chung năng suất, thu nhập của người lao động còn thấp; chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh mặc dù được cải thiện qua các năm nhưng còn chậm, không ổn định; vị trí doanh nghiệp Nam Định còn thấp trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
(5) Khu vực doanh nghiệp nhà nước trong mười năm (2011-2020) đã giảm đáng kể về số lượng với việc cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Tỷ lệ vốn của các doanh nghiệp nhà nước chiếm trong toàn bộ doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, tại thời điểm 31/12/2020 chỉ chiếm 5,51%. Tuy nhiên, khu vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với việc kinh doanh không hiệu quả, đặc biệt chỉ số nợ của các doanh nghiệp nhà nước thời điểm 31/12/2020 là 7,35 lần, cao hơn nhiều so với bình quân chung của toàn bộ doanh nghiệp là 1,5 lần (trong khi chỉ số nợ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,41 lần và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,2 lần).
(6) Doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ trong mười năm (2011-2020) nhưng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô bình quân một doanh nghiệp về vốn, lao động còn thấp; năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh mặc dù được cải thiện nhưng còn chậm.
(7) Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh trong mười năm (2011-2020), đóng góp đáng kể vào việc thu hút lực lượng lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp sang khu vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp khu vực này công nghệ còn lạc hậu, hoạt động chủ yếu mang tính gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài (dệt, may mặc, da giầy, sản xuất đồ chơi), sử dụng lực lượng lao động tay nghề không cao, giá trị gia tăng tạo ra cho nền kinh tế còn thấp.
2. Một số kiến nghị và đề xuất
2.1. Đối với cơ quan nhà nước
Tỉnh Nam Định cần đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương: Hoàn thiện cơ chế chính sách; rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; nghiêm túc thực hiện công bố công khai, minh bạch, hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện.
Xác định lợi thế và tiềm năng của địa phương để định hướng phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững. Phát triển doanh nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.
Có cơ chế, chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chiến lược có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thu ngân sách lớn và bảo vệ môi trường. Không thu hút doanh nghiệp có hoạt động mang tính gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, sử dụng lực lượng lao động phổ thông, giá trị gia tăng thấp (dệt, may mặc, da giầy, sản xuất đồ chơi…).
Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, tay nghề giỏi. Xây dựng và phát triển mạng lưới tri thức cao tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc.
2.2. Đối với doanh nghiệp
Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong.
Chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.
Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới nhóm người yếu thế trong xã hội...
HỆ THỐNG BIỂU ĐỒ XẾP HẠNG MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
Nguyễn Minh Sang - Phòng Thống kê Tổng hợp