Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 1,65% so với tháng trước; tăng 1,75% so với tháng 12/2021 và tăng 1,44% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao thứ hai trong giai đoạn từ năm 2017-2022 [1].
Chỉ số giá tiêu dùng: So với tháng trước, CPI tháng 02 tăng 1,65% (khu vực thành thị tăng 1,29% và khu vực nông thôn tăng 1,76%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có: 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng; 04 nhóm giá ổn định.
(1) Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng gồm:
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhiều nhất với 3,98% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể:
Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,79% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá gạo tăng 0,44% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán.
Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 5,67% chủ yếu ở một số mặt hàng:
- Giá thịt lợn tăng 14,79% so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ của các cửa hàng, cơ sở chế biến (giò, chả…), và sức mua của người dân tăng vào dịp Tết Nguyên đán.
- Giá thịt gia cầm tăng 2,76% (thịt già tăng 3,13%); dầu thực vật tăng 0,58%; mỡ động vật tăng 11,41% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp Tết.
- Thịt chế biến tăng 4,76% do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài trên cả nước, các cơ sở chế biến thực phẩm bị thiếu hụt nhân công lao động và nguyên liệu sản xuất nên tăng giá bán.
- Giá thủy sản tươi sống tăng 3,95% (cá tươi tăng 3,40%; tôm tươi tăng 4,77%); thủy sản chế biến tăng 0,07% do sản lượng thủy sản khai thác giảm dẫn đến nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng.
- Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 5,04% trong đó giá su hào tăng 17,54%; đỗ quả tươi tăng 30,79%; rau muống tăng 11,19%; khoai tây tăng 7,54%... chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết mưa, rét đậm khiến nhiều loại rau phát triển chậm.
- Quả tươi, chế biến tăng 15,67% trong đó quả có múi tăng 23,04%; táo tăng 16,27%; xoài tăng 12,77%; quả tươi khác tăng 17,58% do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa và cước phí vận chuyển tăng.
Bên cạnh đó, nước mắm nước chấm tăng 1,44%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,45%; chè, cà phê, cacao tăng 0,23% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào dịp Tết Nguyên đán.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép do nhu cầu mua sắm vào dịp Tết và thời tiết chuyển rét đậm, rét hại vào giữa tháng 02.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,49% do giá điện, gas, dầu hỏa tăng. Diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau:
- Giá điện sinh hoạt tăng 0,94% do nhu cầu sử dụng điện vào dịp Tết của người dân tăng.
- Giá gas tăng 4,0% do từ ngày 01/02/2022, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 16.000 đồng/bình 12 kg so với tháng trước sau khi giá gas thế giới tăng 50 USD/tấn (từ mức 725 USD/tấn lên mức 775 USD/tấn).
- Giá dầu hỏa tăng 8,39% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá làm giá dầu hỏa tăng 1.650 đồng/lít so với tháng trước.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02% do nhu cầu tiêu dùng các thiết bị như máy hút bụi, đồ điện, đồ ăn, dao kéo làm bếp tăng.
Nhóm giao thông tăng 2,10% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu theo giá nhiên liệu thế giới. Cụ thể: Giá xăng tăng 5,76%; dầu diezen tăng 8,27%, trong đó: giá xăng A95 bình quân tăng 1.519 đồng/lít, giá xăng E5 bình quân tăng 1.488 đồng/lít, giá dầu diezel bình quân tăng 1.722 đồng/lít nên bình quân tháng 02/2022 giá nhiên liệu tăng 5,55% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,82% so với tháng trước do nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,20% do giá cây, hoa cảnh và dịch vụ chụp, in tráng ảnh tăng trong dịp Tết.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13% chủ yếu do dịch vụ cắt tóc gội đầu và dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng.
(2) Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá ổn định: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.
Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước tăng biến động cùng chiều với giá vàng thế giới khi lạm phát các quốc gia tăng cao và lo ngại ảnh hưởng của giao tranh giữa Nga - Ukraine. Tính đến ngày 22/02/2022 giá vàng thế giới ở mức 1.916,3 USD/ounce.
Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trong ngày Thần tài, Lễ Tình nhân 14/02 làm chỉ số giá vàng tháng 02/2022 tăng tăng 2,39% so với tháng trước, tăng 2,69% so với tháng 12/2021; bình quân 02 tháng năm 2022 tăng 9,39% so với năm trước; giá vàng dao động quanh mức 6.262 nghìn đồng/chỉ vàng.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng cao. Đồng đô la Mỹ tăng do các nhà đầu tư có động thái rút khỏi những loại tiền tệ rủi ro hơn sau khi các ngân hàng trung ương đưa ra quyết định về việc tăng lãi suất cũng như lo ngại khả năng lây lan của biến chủng Omicron. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2022 giảm 0,92% so với tháng trước, giảm 0,63% so với tháng 12/2021; bình quân 02 tháng giảm 0,91% so với năm trước do nguồn cung đảm bảo. Giá USD bình quân trên thị trường tháng 02/2022 ở quanh mức 22.836 VND/USD./.
[1] Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân 02 tháng các năm 2017-2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: giảm 0,11%; tăng 0,11%; tăng 0,15%; giảm 0,29%; tăng 2,23%; tăng 1,91%.
Nguyễn Minh Sang - Phòng Thống kê Tổng hợp