Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2021.
Hình 1: CPI tháng 5/2022 so với tháng trước (%)

Chỉ số giá tiêu dùng: Trong mức tăng 0,25% CPI tháng 5/2022 so với tháng trước có: 06 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng; 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm; 02 nhóm giá ổn định.
Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng gồm: Nhóm giao thông tăng nhiều nhất 2,17% tăng chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Cụ thể giá xăng tăng 5,92%, dầu diezen tăng 3,98%; trong đó giá xăng A95 bình quân tăng 2.270 đồng/lít, giá xăng E5 bình quân tăng 2.630 đồng/lít, giá dầu diezel bình quân tăng 599 đồng/lít, bình quân tháng 5/2022 giá nhiên liệu tăng 5,74% so với tháng trước.
Tiếp đến nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,63% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng nên giá đồ uống, thuốc lá các loại đều tăng, cụ thể: bia chai tăng 4,02%; bia lon tăng 3,01%; thuốc lá tăng 1,59%; thuốc lào tăng 2,59% so với tháng trước. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,32% chủ yếu do giá thịt lợn, thịt gia cầm, thủy sản chế biến và giá quả tươi và chế biến tăng.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do nhu cầu tiêu dùng tăng. Trong đó máy điều hoà nhiệt độ tăng 0,13%; máy hút bụi tăng 0,26%; quạt điện tăng 2,61%; bàn là điện tăng 0,93%; máy xay sinh tố, ép hoa quả tăng 1,25%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,50%.
Nhóm giáo dục tăng 0,20% do ngay từ đầu tháng 5/2022 các đơn vị sản xuất và kinh doanh hàng hóa cung cấp cho hoạt động giáo dục đã liên kết với các trường học phân phối sách giáo khoa và vở viết đến phần lớn học sinh nên giá sách giáo khoa tăng 1,57%; bút viết các loại tăng 0,48%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23% so với tháng trước nguyên nhân chủ yếu do giá dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 2,94%; dụng cụ cá nhân không dùng điện tăng 3,09%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,15%; dịch vụ về hiếu tăng 0,66%. Bên cạnh đó đồ trang sức tăng 0,85% theo giá vàng trong nước.
Ở chiều ngược lại, ba nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,19% so với tháng trước do một số cơ sở thanh lý mẫu mã cũ những mặt hàng giày dép, quần áo may sẵn cho mùa đông; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,38% chủ yếu do giá điện và giá gas giảm; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,57% so với tháng trước do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa khiến giá hoa tươi giảm mạnh, cụ thể giá cây, hoa cảnh giảm 3,63%.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông.
Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tháng 5/2022 tăng so với tháng trước do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát gia tăng làm suy yếu nền kinh tế nên tìm đến vàng để lưu trú dòng vốn và tìm hướng đầu tư an toàn. Tính đến ngày 22/5/2022 giá vàng thế giới ở mức 1.846 USD/ounce. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2022 tăng 0,66% so với tháng trước, tăng 14,41% so với tháng 12/2021; bình quân 5 tháng năm 2022 tăng 17,85% so với cùng kỳ năm trước; giá vàng dao động quanh mức 6.977 nghìn đồng/chỉ vàng.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng cao. Đồng đô la Mỹ tăng do các nhà đầu tư có động thái rút khỏi những loại tiền tệ rủi ro hơn sau khi các ngân hàng trung ương đưa ra quyết định về việc tăng lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau hơn 3 năm lên mức 0,25%-0,5% trước áp lực lạm phát gia tăng. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2022 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 0,76% so với tháng 12/2021; bình quân 5 tháng giảm 0,61% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung đảm bảo. Giá USD bình quân trên thị trường tháng 5/2022 ở quanh mức 23.155 VND/USD./.
Nguyễn Minh Sang - Phòng Thống kê Tổng hợp