Điểm sáng tình hình kinh tế - xã hôi tỉnh Nam Định quý I năm 2023

Thứ năm - 30/03/2023 05:34

Kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, bất ổn và khó lường. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga-U-crai-na kéo dài... Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023[1] nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022….

Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định quý I/2023 duy trì ổn định và có bước phát triển. Một số điểm sáng về tình hình kinh tế – xã hội quý I năm 2023 tỉnh Nam Định như sau:

(1) Kinh tế tỉnh Nam Định quý I năm 2023 tăng trưởng 7,70% so với cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng trưởng khá trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước[2] (xếp thứ 7/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và 15/63 tỉnh cả nước).

Hình 1: Tốc độ tăng GRDP quý I so với cùng kỳ năm trước (%)

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với năng suất các loại cây trồng vụ Đông Xuân tương đương và cao hơn vụ Đông Xuân năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng, sản lượng thủy sản tăng khá so với cùng kỳ đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định đóng góp 3,44 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ đóng góp 2,65 điểm phần trăm với sự phục hồi tích cực của hoạt động thương mại và dịch vụ, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có nhiều khởi sắc.

(2) Sản xuất nông nghiệp được duy trì, sản lượng thủy sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Năng suất các loại cây trồng vụ Đông Xuân tương đương và cao hơn vụ Đông Xuân năm trước. Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại quý I/2023 tăng 0,9%; sản lượng thuỷ sản tăng 4,0%.

(3) Ngành công nghiệp tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo đơn hàng sản xuất do nhu cầu thị trường cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, mặt khác chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào thông suốt do việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2023 tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,31%

(4) Vốn đầu tư thực hiện tăng cao so với cùng kỳ năm trước tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I/2023 tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước tăng 16,8%; vốn ngoài Nhà nước tăng 15,0%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Các dự án của Nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định (2020-2024) có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ (2020-2023) có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD; Dự án Cầu Bến Mới (2022-2024) có tổng mức đầu tư 360,7 tỷ đồng; Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (2022-2027) có tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng.

Các công trình phát triển cơ sở hạ tầng xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục được huy động tối đa nguồn lực: KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận, KCN Bảo Minh mở rộng, CCN Yên Bằng, CCN Thanh Côi bảo tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật (về điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông...), đồng thời xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố.

Dự án của doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục được đầu tư xây dựng, thi công: Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn thuộc tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định (2022-2024) có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng; Nhà máy dệt và may Công ty TNHH Ramatex Nam Định tổng mức 1.814 tỷ đồng; Xưởng nhuộm tấm Công ty Cổ phần Dệt Nhuộm SUNRISE,…

(5) Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển tích cực, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có nhiều khởi sắcTổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2023 tăng 4,8% so với tháng trước, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2023 đạt 16.517 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

các năm 2019-2023

Hoạt động vận tải quý I/2023 tăng trưởng cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Vận chuyển hành khách tăng 15,2% và luân chuyển tăng 7,5% do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh với hàng hóa vận chuyển tăng 8,4% và luân chuyển tăng 3,4%.

 (6) Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bước sang quý II năm 2023, kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó lường. Do đó, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023, các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may,...

 (1) Sản xuất nông nghiệp với diện tích gieo cấy và nuôi trồng thủy sản giảm; chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do giá thịt lợn hơi giảm, chi phí sản xuất ở mức cao, người dân hạn chế tái đàn hoặc mở rộng quy mô.

(2) Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường quý I/2023 giảm 18,9%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh 51,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Bình quân một tháng trong quý có 123 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (cùng kỳ năm 2022 là 152 doanh nghiệp) và 199 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (cùng kỳ năm 2022 là 131 doanh nghiệp).

(3) Vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực doanh nghiệp đầu từ trực tiếp nước ngoài giảm mạnh, quý I/2023 giảm 11,7% so với cùng kỳ và giảm 49,5% so với quý IV năm 2022.

Hai là, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.

(1) Hoạt động xuất, nhập khẩu ba tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 857 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

(2) Trong quý, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án với tổng số vốn đăng ký 578 tỷ đồng và 6,7 triệu USD (bao gồm 4 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI).

Ba là, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023 và đầu năm 2024; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về đầu tư công.

Tiến độ thi công và triển khai thủ tục của một số dự án còn chậm, như: Các dự án nhà máy nước sạch nông thôn; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Nhà máy rác thải tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc,... Công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trọng điểm ở một số địa phương còn chậm so với yêu cầu.

Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ,.... nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng./.



[1] Dự báo tại thời điểm tháng 3/2023.

[2] Tốc độ tăng/giảm GRDP các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng: Hải Phòng 9,65%; Ninh Bình 8,45%; Hải Dương 8,35%; Thái Bình 8,26%; Hưng Yên 8,14%; Quảng Ninh 8,06%; Nam Định 7,70%; Hà Nội 5,80%; Hà Nam 4,05%; Vĩnh Phúc -2,47%; Bắc Ninh -11,85%.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Sang - Phòng Thống kê tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây