Cục Thống kê tỉnh Nam Định

https://www.namdinh.gso.gov.vn


Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022

Kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định tháng 9 và 9 tháng năm 2022

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 

a. Hoạt động tài chính

Tiến độ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2022 đạt 83,7% dự toán năm và tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng chế độ.

b. Hoạt động ngân hàng

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm, kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước. 

c. Hoạt động bảo hiểm

Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm theo quy định; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ ngày 01/01/2022 theo quy định của Chính phủ.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Năng suất lúa Xuân và các loại cây trồng đạt khá. Chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát. Ngành thủy sản duy trì mức tăng khá, sản lượng và hiệu quả kinh tế nâng lên.

a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Năm 2022, diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 173.159 ha, giảm 1,0% (-1.678 ha) so với năm 2021. Diện tích gieo trồng cả năm giảm do diện tích gieo trồng ba vụ đều giảm so với năm trước. 

Chăn nuôi và thú y: Chăn nuôi lợn dần phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển; dịch bệnh trên đàn vật nuôi kiểm soát tốt. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn ở mức cao ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của người chăn nuôi.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 9 tháng năm 2022 ước đạt 150.619 tấn, tăng 2,1% (+3.081 tấn) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 114.865 tấn, tăng 0,8% (+930 tấn); sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 26.185 tấn, tăng 8,0% (+1.921 tấn). Sản lượng trứng gia cầm 343.353 nghìn quả, tăng 10,0% (+31.283 nghìn quả) so với cùng kỳ năm 2021.

b. Lâm nghiệp

Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng năm 2022 ước đạt 3.085 m3, tăng 0,5% (+20 m3); sản lượng củi khai thác ước đạt 8.991 Ste, tăng 0,5% (+48 Ste) so với cùng kỳ năm 2021.

c. Thuỷ sản

Sản lượng thuỷ sản tháng 9/2022 ước đạt 18.028 tấn, tăng 5,1% (+868 tấn) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: Thuỷ sản khai thác 4.882 tấn, tăng 1,8% (+87 tấn); thuỷ sản nuôi trồng 13.146 tấn, tăng 6,3% (+781 tấn).

Tính chung 9 tháng năm 2022, sản lượng thuỷ sản ước đạt 140.349 tấn, tăng 4,9% (+6.543 tấn) so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Thuỷ sản khai thác 45.608 tấn, tăng 1,9% (+862 tấn); thuỷ sản nuôi trồng 94.741 tấn, tăng 6,4% (+5.681 tấn).

3. Sản xuất công nghiệp 

Sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 duy trì xu hướng phục hồi tích cực. Các doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn và mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022  ước tăng 14,45% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,77%.

a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Sản xuất công nghiệp tháng 9/2022 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, IIP tăng 6,86% so với tháng trước và tăng 18,53% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,77%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 4,27%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,53% so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,77%, đóng góp 14,27 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,08%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,57%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,54%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm.

b. Sản phẩm sản xuất chủ yếu

Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước: Bánh kẹo các loại tăng 7,1%; bia đóng chai tăng 19,5%; vải các loại tăng 22,2%; khăn các loại tăng 10,4%; quần áo may sẵn tăng 17,7%; giày, dép các loại tăng 18,4%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Muối biển giảm 17,5%; lưới đánh cá giảm 9,5%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 20,5%; phụ tùng xe có động cơ giảm 15,4%.

4. Đầu tư và xây dựng

Hệ thống kết cấu hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư; các công trình trọng điểm tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công cùng với tín hiệu tích cực khu vực doanh nghiệp, hộ dân cư giúp cho hoạt động đầu tư và xây dựng 9 tháng năm 2022 đạt mức tăng khá. Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành tăng 11,2%; giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. 

a. Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện 9 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh tập trung trên tất cả các khu vực. Nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào các công trình trọng điểm trong lĩnh vực giao thông, đê điều, văn hóa,... Nguồn vốn ngoài Nhà nước chủ yếu ở khu vực dân cư, xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Vốn đầu tư thực hiện chín tháng năm 2022 ước đạt 32.824 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn Nhà nước 4.892 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng vốn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài Nhà nước 25.807 tỷ đồng, chiếm 78,6%, tăng 17,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.125 tỷ đồng, chiếm 6,5%, giảm 3,4%.

b. Xây dựng

Hoạt động xây dựng 9 tháng năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế của tỉnh và cả nước có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Nhu cầu nhà ở tăng cao; công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được quan tâm triển khai thực hiện. Tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hạ tầng các KCN, CCN đảm bảo tiến độ góp phần giúp ngành xây dựng đạt kết quả khá tích cực. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh 9 tháng năm 2022 ước đạt 15.408 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

5. Hoạt động của doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký kinh doanh

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoạt động trở lại 9 tháng năm 2022 tăng khá 17,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số doanh nghiệp nhỏ tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: Có 87,79% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định; 12,21% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý II/2022. Dự kiến quý IV/2022, có 87,02% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và ổn định; 12,98% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn so với quý III/2022.

6. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực ở tất cả các ngành và đạt mức tăng cao so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng Chín tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 44.195 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9/2022 ước đạt 4.963 tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước. Trong đó: Thương nghiệp 4.425 tỷ đồng, tăng 2,0%; lưu trú và ăn uống 298 tỷ đồng, tăng 1,2%; du lịch lữ hành 1 tỷ đồng, tăng 9,7%; dịch vụ khác 239 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 44.195 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xét theo ngành hoạt động: 

b. Xuất, nhập khẩu

Xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022 đạt 3.506 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu tăng 18,6%, nhập khẩu tăng 17,1%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1.029 triệu USD.

c. Giá cả

Giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, giá sách vở và các dụng cụ học tập tăng do bước vào năm học mới, mặt khác giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng nhẹ 0,04% so với tháng trước và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. 

d. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải 9 tháng năm 2022 duy trì đà phục hồi. Vận tải hành khách mở lại các tuyến xe đường dài và số chuyến tăng lên đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; vận tải hàng hóa tăng trưởng theo sự hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9/2022 ước đạt 573 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4.693 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Vận tải hành khách 935 tỷ đồng, tăng 23,6%; vận tải hàng hoá 3.575 tỷ đồng, tăng 13,1%; dịch vụ hỗ trợ vận tải 167 tỷ đồng, tăng 48,6% và bưu chính, chuyển phát 16 tỷ đồng.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Chín tháng năm 2022, tình hình đời sống các tầng lớp dân cư nhìn chung ổn định, không có hộ thiếu đói. Kinh tế dần hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được các cấp, các ngành quan tâm và đảm bảo; giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.

Thực hiện chính sách với người có công: Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ, tri ân những người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân quan tâm bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Tính đến hết tháng 8 năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ chính sách cho 31.616 trường hợp người có công, thân nhân người có công và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công; lập thủ tục, giới thiệu tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để giám định cho 44 trường hợp; đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 02 trường hợp và cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 38 trường hợp do bị rách nát, hư hỏng...

Các cấp, các ngành tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán, với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. 

 

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng Thống kê Tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây