Sản xuất công nghiệp tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024
- Thứ ba - 30/07/2024 23:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 duy trì ổn định, ước tăng 1,72% so với tháng trước và tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ năm 2019 đến nay; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,42%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 tăng 1,72% so với tháng trước và tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,70%; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,73%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,32%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,11%.
Tốc độ tăng/giảm IIP 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp bảy tháng năm 2024 ước tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,42%, đóng góp 14,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,98%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 118,56%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 23,21%, làm giảm 0,09 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 12,42%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,57%; sản xuất trang phục tăng 18,60%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 28,85%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: dệt giảm 0,08%; sản xuất đồ uống giảm 7,63%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 9,15%; sản xuất thiết bị điện giảm 29,08%.
Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP 7 tháng các năm 2020-2024 của một số ngành công nghiệp
%
2020 |
2021 |
2022 |
2023 |
2024 |
|
Sản xuất, chế biến thực phẩm |
-16,53 |
-15,78 |
4,72 |
12,75 |
15,57 |
Dệt |
8,97 |
13,63 |
10,40 |
19,47 |
-0,08 |
Sản xuất trang phục |
2,20 |
20,84 |
20,66 |
8,32 |
18,60 |
Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan |
-34,98 |
-38,22 |
33,64 |
48,73 |
22,45 |
Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) |
11,38 |
13,15 |
-3,57 |
9,25 |
17,34 |
Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu |
-4,40 |
28,93 |
-5,70 |
0,70 |
2,77 |
Sản xuất kim loại |
22,09 |
-4,13 |
-0,45 |
62,07 |
30,75 |
Sản xuất gường, tủ, bàn, ghế |
14,23 |
3,26 |
13,15 |
10,41 |
2,25 |
Ngành dệt ghi nhận năng lực mới tăng tiềm năng trong bối cảnh các doanh nghiệp sẵn có ngành này đang đối mặt không ít khó khăn: Dự án Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles tại Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng của Công ty TNHH Top Textiles thuộc tập đoàn Toray (Nhật Bản) được khởi công từ tháng 7/2022, đến nay hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với công suất 60 triệu mét vải/năm. Dự án tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 120 triệu mét vải/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc tái cấu trúc chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Sản phẩm công nghiệp: Một số sản phẩm 7 tháng đầu năm có khối lượng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Gạo xay xát tăng 3,80%; quần áo may sẵn tăng 27,70%; giày, dép tăng 28,90%; gỗ cưa hoặc xẻ tăng 1,62%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 21,22%; bao bì và túi bằng giấy tăng 7,69%; sản phẩm in tăng 28,34%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 19,36%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 16,15%. Ngược lại, một số sản phẩm có khối lượng giảm như: Sợi các loại giảm 13,06%; vải các loại giảm 5,96%; khăn các loại giảm 6,12%; phụ tùng xe có động cơ giảm 0,55%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2024 tăng 2,95% so với tháng trước. Bảy tháng năm 2024, chỉ số này giảm 8,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: sản xuất trang phục tăng 19,50%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 93,39%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 164,44%. Ngược lại, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 7,99%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,69%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/7/2024 tăng 33,25% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 58,04%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 6,71%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng: dệt tăng 75,52%; sản xuất trang phục tăng 21,42%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 90,32%. Lượng hàng tồn kho tăng chủ yếu do thời gian sản xuất các đơn hàng lớn kéo dài.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 tăng 0,11% so với tháng trước. Bảy tháng năm 2024, chỉ số này tăng 4,01% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, loại hình doanh nghiệp nhà nước giảm 16,27%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,03% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,79%.