Cục Thống kê tỉnh Nam Định

https://www.namdinh.gso.gov.vn


Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2023

Kinh tế tỉnh Nam Định quý I năm 2023 tăng trưởng 7,70% so với cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng trưởng khá trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Kinh tế tỉnh Nam Định quý I năm 2023 tăng trưởng 7,70% so với cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng trưởng khá trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước[1].
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 quý I/2023 ước đạt 12.220 tỷ đồng, tăng 7,70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,04%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,76%, đóng góp 4,47 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,01%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,37%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm.
Quy mô GRDP tỉnh Nam Định theo giá hiện hành quý I/2023 ước đạt 21.771 tỷ đồng, tăng 11,23% so với cùng kỳ năm 2022. Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng 43,21%; khu vực dịch vụ 36,79%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 2,87% (Cơ cấu tương ứng quý I năm 2022: 18,42%; 41,45%; 37,16%; 2,97%).
2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
a. Hoạt động tài chính
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I/2023 ước đạt 1.855 tỷ đồng, bằng 19,5% dự toán năm và bằng 66,0% so với cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, chi trả lương và các khoản chi thường xuyên.
Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2023 ước đạt 9.842 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 1.855 tỷ đồng, bằng 19,5% dự toán năm, chiếm 18,9% tổng thu; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 4.987 tỷ đồng, chiếm 50,6% tổng thu; thu chuyển nguồn 3.000 tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng thu.
Trong thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn: Thu nội địa đạt 1.571 tỷ đồng, chiếm 16,0% tổng thu và bằng 62,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 280 tỷ đồng, chiếm 2,8% và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chi ngân sách Nhà nước: Tổng chi ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.509 tỷ đồng, bằng 23,6% dự toán năm và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi đầu tư phát triển 2.590 tỷ đồng, tăng 43,5%, chiếm 57,4% tổng chi; chi thường xuyên 1.919 tỷ đồng, giảm 3,0%, chiếm 42,6%.
b. Hoạt động ngân hàng:

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm, kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm, nhất là những chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
c. Hoạt động bảo hiểm
Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm theo quy định.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, số người tham gia bảo hiểm xã hội quý I/2023 là 237.078 người, tăng 2,4%; số người tham gia bảo hiểm y tế 1.658.157 người, giảm 0,1%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 202.670 người, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng thu bảo hiểm các loại quý I/2023 ước đạt 1.301 tỷ đồng, tăng 3,4%; tổng chi bảo hiểm các loại 1.803 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp tập trung thu hoạch xong cây trồng vụ Đông và hoàn thành gieo cấy lúa, rau màu vụ Xuân. Hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản xuất thuỷ sản duy trì, khai thác các lợi thế sản xuất của địa phương.
a. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Trong quý, toàn tỉnh thu hoạch xong các loại cây rau màu vụ Đông và tập trung gieo cấy lúa, các loại rau màu vụ Xuân. Tổng diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân đạt 91.896 ha, giảm 0,4% so với vụ Đông Xuân năm 2022.
Vụ Đông gieo trồng 9.603 ha cây rau màu các loại, tăng 1,7% so với vụ Đông năm 2022.
Vụ Xuân gieo trồng 82.293 ha lúa và rau màu các loại, giảm 0,7% so với vụ Xuân năm 2022; gồm 70.394 ha lúa và 11.899 ha rau màu các loại.
Cây rau màu các loại 11.899 ha cây rau màu các loại, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngô 897 ha, giảm 3,8%; cây lấy củ có chất bột 380 ha, giảm 11,6%; cây có hạt chứa dầu 4.085 ha, giảm 1,6%; rau các loại 4.760 ha, tăng 2,3%; đậu đỗ các loại 571 ha, tăng 1,8%,… Thời tiết tương đối thuận lợi nên rau màu các loại sinh trưởng và phát triển tốt.
Thời điểm cuối tháng 3/2023, đàn trâu ước có 7.565 con, tăng 0,3%; đàn bò 28.175 con, giảm 1,7% so với cùng thời điểm năm 2022.
Đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) 604.468 con, giảm 0,5%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 3/2023 ước đạt 11.491 tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đàn gia cầm 8.922 nghìn con, tăng 2,5%; trong đó đàn gà 6.309 nghìn con, tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022.
b. Lâm nghiệp
Sản lượng gỗ khai thác quý I/2023 ước đạt 1.073m3, tăng 0,8%; sản lượng củi ước đạt 2.365 ste, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng gỗ và lâm sản khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn, chủ yếu được khai thác từ diện tích cây phân tán.
c. Thuỷ sản
Tính chung quý I, sản lượng thuỷ sản đạt 41.322 tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 28.616 tấn, tăng 4,8%; khai thác 12.706 tấn, tăng 2,0%.
4. Sản xuất công nghiệp
Các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo đơn hàng sản xuất do nhu cầu thị trường cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, mặt khác chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào thông suốt do việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng trưởng khá với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,31%.
a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Sản xuất công nghiệp tháng 3/2023 tăng 2,50% so với tháng trước và tăng 20,20% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,52%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,49%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,59%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,34%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2023[2] ước tăng 12,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,31%, đóng góp 11,96 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,21%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,44%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 27,82%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.
b. Sản phẩm sản xuất chủ yếu
Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước: Thịt lợn đông lạnh tăng 14,87%; sợi các loại tăng 9,60%; vải các loại tăng 15,76%; quần áo may sẵn tăng 16,90%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 43,36%; bao bì và túi bằng giấy tăng 11,44%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 9,25%... Bên cạnh đó, một sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Muối chế biến giảm 28,88%; thuốc dạng viên các loại giảm 5,44%; thuốc dạng lỏng giảm 14,89%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép giảm 4,35%.
c. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 tăng 4,96% so với tháng trước. Tính chung quý I/2023, chỉ số này giảm 9,42% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2022 giảm 13,47% so với cùng thời điểm năm trước
d. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 3/2023 giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 4,26% so với cùng kỳ năm trước.
5. Đầu tư và xây dựng
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm tạo đà hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Ngay từ đầu năm, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình, nhất là dự án hạ tầng giao thông để tăng cường giao thương và liên kết vùng tạo động lực phát triển kinh tế. Do đó, hoạt động đầu tư và xây dựng quý I/2023 đạt kết quả khá tích cực.
a. Đầu tư
Vốn đầu tư trên địa bàn: Ba tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện tập chủ yếu trung khu vực trong nước; khu vực đầu từ trực tiếp nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào các công trình trọng điểm trong lĩnh vực giao thông, đê điều, văn hóa,... Nguồn vốn ngoài Nhà nước tập trung chủ yếu ở khu vực dân cư, xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I/2023 ước đạt 10.118 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước 1.976 tỷ đồng, chiếm 19,5% và tăng 16,8%; vốn ngoài Nhà nước 7.500 tỷ đồng, chiếm 74,1% và tăng 15,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 642 tỷ đồng, chiếm 6,4% và giảm 11,7%.
Thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 15/3/2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án với tổng số vốn đăng ký 578 tỷ đồng và 6,7 triệu USD (bao gồm 4 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI). Trong đó: Cấp mới cho 3 dự án (2 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 361 tỷ đồng và 3,2 triệu USD.
b. Xây dựng
Hoạt động xây dựng quý I/2023 trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu và lãi suất ngân hàng tăng cao. Việc các công trình trọng điểm gồm cả đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách đảm bảo tiến độ theo kế hoạch cùng với đó quá trình xây dựng hạ tầng các KCN, CCN, Chương trình NTM nâng cao, kiểu mẫu được quan tâm thực hiện giúp ngành xây dựng đạt kết quả khá. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh quý I/2023 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
6. Hoạt động của doanh nghiệp
a. Tình hình đăng ký kinh doanh
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường quý I/2023 giảm 18,9%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh 51,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa, kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 được đánh giá tốt hơn quý IV/2022: Có 78,46% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định[3]; 21,54% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý IV/2022. Dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II/2023 khả quan hơn quý I/2023 với 92,31% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và ổn định.
Trong quý I/2023, có 27,69% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên; 50,77% số doanh nghiệp SXKD giữ ổn định và 21,54% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn so với quý trước. Dự báo quý II/2023, có 56,92% số doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên; 35,39% giữ ổn định và 7,69% khó khăn hơn so với quý I/2023. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 69,23% doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên và 30,77% giữ ổn định so với quý I/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 85,71% và 91,82%.
7. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a. Tình hình nội thương
Hoạt động thương mại và dịch vụ quý I/2023 phát triển tích cực, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có nhiều khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2023 tăng 4,8% so với tháng trước, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2023 đạt 16.517 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2023 ước đạt 5.478 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với nhiều năm trở lại đây, tăng 14,0% so với cùng năm 2022 và tăng 47,0% so với ba tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
b. Xuất, nhập khẩu
Hoạt động xuất, nhập khẩu ba tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 857 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 550 triệu USD, giảm 14,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 243 triệu USD.
c. Giá cả
Giá xăng dầu giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,43% so với tháng trước; tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 3 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước[4].
d. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải quý I/2023 tăng trưởng cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Vận chuyển hành khách tăng 15,2% và luân chuyển tăng 7,5% do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh với hàng hóa vận chuyển tăng 8,4% và luân chuyển tăng 3,4%.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư
Quý I năm 2023, tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân ổn định.
Thực hiện chính sách với người có công: Công tác tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão được thực hiện đầy đủ, chu đáo với tổng số 116.955 suất quà, trị giá 47 tỷ đồng, gồm: Quà Chủ tịch nước tặng người có công 58.483 suất với số tiền 17,8 tỷ đồng; Quà Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh 58.472 suất quà cho đối tượng người có công và thân nhân liệt sỹ với số tiền 29,2 tỷ đồng.
Công tác bảo trợ xã hội: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện tốt chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các diện đối tượng đang quản lý tại Trung tâm.
Việc chăm lo Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội được các cấp, các ngành của tỉnh tích cực thực hiện. Các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức phù hợp ủng hộ tiền, gạo, thực phẩm, bánh chưng, nhu yếu phẩm thiết yếu; quần áo ấm, khám chữa bệnh, cấp thuốc, tu sửa nhà dột nát. Kết quả, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh đi thăm, tặng quà các đối tượng bảo trợ xã hội 152.300 suất quà, trị giá hơn 43,42 tỷ đồng.


[1] Tốc độ tăng/giảm GRDP các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng: Hải Phòng 9,65%; Ninh Bình 8,45%; Hải Dương 8,35%; Thái Bình 8,26%; Hưng Yên 8,14%; Quảng Ninh 8,06%; Nam Định 7,70%; Hà Nội 5,80%; Hà Nam 4,05%; Vĩnh Phúc -2,47%; Bắc Ninh -11,85%.
[2] Chỉ số IIP quý I các năm so cùng kỳ giai đoạn 2017-2022 lần lượt là: Năm 2017 tăng 8,75%; năm 2018 tăng 9,1%; năm 2019 tăng 11,57%; năm 2020 tăng 13,12%; năm 2021 tăng 9,56% ; năm 2022 tăng 10,23%.
[3] Tỷ lệ tương ứng ở quý I/2022 là 64,96%; quý II/2022 là 87,78%; quý III/2022 là 87,79%; quý IV/2022 là 76,34%.
[4] Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân các năm 2019-2023 so với năm trước lần lượt là: tăng 4,61%; tăng 6,57%; giảm 1,80%; tăng 2,23%; tăng 3,62%.

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng Thống kê Tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây