Cục Thống kê tỉnh Nam Định

https://www.namdinh.gso.gov.vn


Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2025

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)

Kinh tế tỉnh Nam Định quý I/2025 tăng trưởng 11,86% so với cùng kỳ năm 2024 - đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ trước đến nay; xếp thứ 1 vùng đồng bằng Sông Hồng[1] và thứ 3 cả nước. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò động lực tăng trưởng với mức đóng góp 7,31 điểm phần trăm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2025 theo giá so sánh 2010 ước đạt 14.632 tỷ đồng, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,88%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,44%, đóng góp 7,31 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 9,59%, đóng góp 3,65 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,32%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Quy mô GRDP tỉnh Nam Định theo giá hiện hành quý I/2025 ước đạt 27.700 tỷ đồng, tăng 14,10% so với cùng kỳ năm 2024. Về cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng 42,92%; khu vực dịch vụ 37,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,35% (Cơ cấu tương ứng quý I năm 2024: 16,57%; 41,78%; 38,25%; 3,40%).

2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

a. Hoạt động tài chính

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I  năm 2025 ước đạt 3.410 tỷ đồng, bằng 22,0% dự toán năm và tăng 57,3% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.

b. Hoạt động ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tháng 03/2025 ước tăng 5,5% , tổng dư nợ tín dụng tăng 1,8% so với ngày cuối cùng của năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.

c. Hoạt động bảo hiểm

 Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2025 diễn ra trong điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp tập trung thu hoạch cây vụ Đông, gieo trồng và chăm sóc cây Vụ Xuân. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khá do tập trung áp dụng mô hình nuôi tiên tiến, khai thác thủy sản tăng so với cùng kỳ do thời tiết ngư trường thuận lợi.

a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Trong quý, các địa phương thu hoạch cây trồng vụ Đông; hoàn thành chăm sóc lúa đợt 1 các cây hàng năm khác vụ Xuân. Diện tích vụ Đông Xuân đạt 9.441 ha, giảm 1,0% so cùng kỳ với năm trước.

Sản xuất vụ Đông: Sản lượng một số loại cây chủ yếu vụ Đông như khoai tây 29.459 tấn, rau cải các loại 20.370 tấn, bắp cải 11.689 tấn, súp lơ 4.614 tấn, đậu cove 3.288 tấn, su hào 8.701 tấn, cà chua 16.904 tấn, …

Sản xuất vụ Xuân: Sau khi thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực để sản xuất vụ Xuân. Tiến độ sản xuất tính đến ngày 20/3/2025, toàn tỉnh gieo trồng xong lúa vụ Xuân với diện tích là 69.852 ha.

Cây rau màu gieo trồng được 11.476 ha cây rau màu các loại, trong đó ngô 915 ha, lạc 3.582 ha, rau các loại 4.733 ha, đậu và đỗ các loại 510 ha, hoa các loại 488 ha, … Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, các loại rau màu phát triển ổn định. Cây lạc đang phân cành cấp 1, phổ biến 5-7 lá.

Chăn nuôi và thú y: Thời điểm cuối tháng 3/2025, đàn trâu ước có 7.625 con, giảm 0,1%; đàn bò 27.950 con, giảm 0,7%; đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) 615.132 con, tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2024.

Đàn gia cầm 9.398 nghìn con, tăng 3,7%; trong đó đàn gà 6.690 nghìn con, tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm 2024.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại quý I/2025 ước đạt 60.818 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: sản lượng thịt trâu hơi 295 tấn tăng 1,4%; sản lượng thịt bò hơi 972 tấn tăng 0,9%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 46.315 tấn, tăng 4,9%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 10.674 tấn, tăng 4,7%. Sản lượng trứng gia cầm 139,4 triệu quả quả, tăng  3,2% so với cùng kỳ năm 2024.

b. Lâm nghiệp

Sản lượng gỗ khai thác quý I/2025 ước đạt 1.085 m3, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2024.

c. Thuỷ sản

Sản xuất thuỷ sản duy trì ổn định; các cơ sở nuôi trồng, khai thác thuỷ sản tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất. Sản lượng thuỷ sản quý I/2025 ước đạt 44.503 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi trồng ước đạt 31.233 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó: sản lượng cá 14.680 tấn, chiếm 47,0% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, tăng 5,2%; sản lượng tôm đạt 961 tấn, chiếm 3,1%, tăng 2,3%; thủy sản khác đạt 15.592 tấn, chiếm 49,9%, tăng 3,4%. Sản lượng khai thác ước đạt 13.270 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khai thác thủy sản biển. Các phương tiện tàu thuyền tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi ra khơi khai thác thuỷ hải sản. Tính chung quý I, sản lượng thuỷ sản khai thác biển ước đạt 12.760 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

d. Xây dựng nông thôn mới

Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu; đến nay, toàn tỉnh có 143/146 (97,9%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 54/146 (37%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9/15 (60%) thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện Trực Ninh và Xuân Trường đã được Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024.

4. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp quý I/2025 phát triển ổn định; ngành chế biến, chế tạo được các doanh nghiệp đánh giá khởi sắc hơn quý trước. Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, quyết tâm năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ năm 2019 đến nay, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành sản xuất máy tính.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng I/2025 ước tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,50%, đóng góp 22,98 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,11%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 28,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 50,41%, làm giảm 0,19 điểm phần trăm.

Một số ngành công nghiệp cấp II trọng điểm của tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,93%; dệt tăng 15,03%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,20%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 13,86%; sản xuất kim loại tăng 10,72%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,72%; sản xuất trang phục tăng 8,26%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 4,16%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,02%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất đồ uống giảm 34,35%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,41%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,09%.

Ngành sản xuất máy tính mặc dù mới phát sinh nhưng mang lại những giá trị vượt trội so với các doanh nghiệp hiện có trên địa bàn. Bước vào sản xuất chính thức từ tháng 11 năm 2024, Công ty TNHH QMH Computer (thuộc Tập đoàn Quanta) liên tiếp tuyển dụng công nhân sản xuất; số lượng lao động của doanh nghiệp ước tính cuối tháng 3/2025 tăng gấp gần 2,5 lần và công suất tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động.

Một số sản phẩm công nghiệp quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Vải các loại tăng 22,3%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 15,2%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 14,2%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 11,4%; dây cách điện tăng 8,6%; quần áo may sẵn tăng 8,3%; gạo xay xát tăng 3,9%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khăn các loại giảm 13,8%; sợi các loại giảm 12,1%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 7,5%; giày, dép giảm 3,6%; bia hơi giảm 0,8%; bia đóng chai giảm 0,8%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2025    tăng 3,30% so với tháng trước. Tính chung quý I/2025, chỉ số này tăng 143,46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 123,20%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 35,09%; sản xuất trang phục tăng 21,37%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,62%; sản xuất kim loại tăng 6,11%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,15%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2025 giảm 16,03% so với tháng trước và tăng 82,86% so với cùng thời điểm năm trước. 

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng 2,67% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lao động khối doanh nghiệp nhà nước tăng 6,18%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 9,49% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,17%.

5. Đầu tư và xây dựng

Ngay từ đầu năm, tỉnh Nam Định tập trung hoàn thành công tác phân bổ dự toán đầu năm nguồn vốn đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm. Hoạt động đầu tư và xây dựng quý I năm 2025 đạt mức tăng khá: Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành tăng 16,3%; Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trên địa bàn: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I năm 2025 ước đạt 14.039 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn Nhà nước 2.234 tỷ đồng, chiếm 15,9% và giảm 14,4%; vốn ngoài Nhà nước 9.426 tỷ đồng, chiếm 67,1%tăng 19,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.379 tỷ đồng, chiếm 17,0% và tăng 54,1%.

Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 1.854 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch năm và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.756 tỷ đồng, đạt 15,1% và tăng 19,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 63 tỷ đồng, đạt 18,7% và giảm 3,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 35 tỷ đồng, đạt 19,4% và giảm 37,1%.

Thu hút đầu tư: Theo Sở Tài chính, tính đến ngày 25/3/2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 227 triệu USD, trong đó cấp mới cho 07 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 121 triệu USD.

b. Xây dựng

Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng khá do nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN, các dự án xây dựng nhà máy sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đẩy nhanh tiến độ. Nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân địa phương có chiều hướng tốt lên. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh quý I/2025 tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng sản xuất ngành xây dựng: Kết quả khảo sát tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Nam Định trong quý I/2025 cho thấy: 49,3% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định; 50,7% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo quý II/2025, hoạt động sản xuất các doanh nghiệp xây dựng khả quan hơn quý I/2025 với 84,4% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định; 15,9% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

6. Hoạt động của doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký kinh doanh

Quý I năm 2025 có 520 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với tổng số lao động đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2024. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 56,34% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2025 với tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2024; 43,66% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý II/2025 khả quan hơn quý I/2025 với 89,44% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định; 10,56% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

7. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa được thúc đẩy góp phần duy trì tăng trưởng hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2024 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2025 đạt 21.510 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2025 có quy mô và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước cao nhất trong giai đoạn 2021-2025. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I năm 2025 đạt 21.510 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với quý I năm 2021 và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 19.042 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng mức và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.353 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng mức, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Ngành lưu trú 79 tỷ đồng và 219 nghìn lượt khách, tăng 15,5% doanh thu và 13,7% lượt khách; ngành ăn uống đạt 1.274 tỷ đồng, tăng 21,5%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6 tỷ đồng và 9,3 nghìn lượt khách, tăng 24,6% doanh thu và 15,3% lượt khách; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.109 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng mức và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 3/2025 đạt mức tăng khá với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 680 triệu USD, tăng 96,1 % so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 1.720 triệu USD, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 158 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa: Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 939 triệu USD, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: khu vực Nhà nước 7 triệu USD, tăng 44,0%; khu vực ngoài Nhà nước 224 triệu USD, tăng 30,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 708 triệu USD, tăng 66,9%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, máy vi tính, da giày và lâm sản.

Nhập khẩu hàng hóa: Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 781 triệu USD, tăng 125,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: khu vực Nhà nước 9 triệu USD, tăng 119,4%; khu vực ngoài Nhà nước 93 triệu USD, tăng 6,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 679 triệu USD, tăng 166,9%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất và gia công như: Nguyên phụ liệu may; máy vi tính; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt.

c. Giá

Giá thịt lợn, giá gạo tăng; giá đồ trang sức tăng theo giá vàng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 tăng 0,01% so với tháng trước và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân quý I năm 2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,01% của CPI tháng 3/2025 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng tăng giá; 02 nhóm hàng giảm giá và 02 nhóm hàng giá ổn định.

d. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải quý I/2025 đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vận chuyển hành khách tăng 3,5% và luân chuyển tăng 12,8% do nhu cầu đi lại, lễ hội đầu xuân của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh với hàng hóa vận chuyển tăng 15,5% và luân chuyển tăng 25,5%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Quý I năm 2025, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả. Một số dịch bệnh có xu hướng tăng nhưng được kiểm soát kịp thời. Ngành Giáo dục duy trì thành tích cao tại các kỳ thi. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được duy trì. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thực hiện chính sách với người có công và thân nhân người có công: Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ, tri ân những người có công (NCC) với tổng số tiền 58.157 triệu đồng

Quý I năm 2025, Sở  LĐ - TB và XH trình UBND tỉnh giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công là 169 trường hợp mai táng phí (78 trường hợp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg; 44 trường hợp theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg; 26 trường hợp theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg; 21 trường hợp theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP). Giải quyết trợ cấp đối với người có công và thân nhân người có công 201 trường hợp.

Công tác bảo trợ xã hội: Việc chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội của tỉnh quan tâm thực hiện. Các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thực phù hợp ủng hộ tiền, gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời vận động các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Kết quả trong quý I, tỉnh Nam Định thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số tiền 238.933 triệu đồng.

Công tác giảm nghèo: Tỉnh Nam Định đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội không thuộc Nghị định 20/2021/NĐ-CP với tổng số tiền 537 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh trong 02 tháng năm 2025 doanh số cho vay hộ nghèo là 1.960 triệu đồng với 21 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 15.782 triệu đồng với 177 lượt khách hàng; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 32.137 triệu đồng với 368 lượt khách hàng; doanh số cho vay giải quyết việc làm 60.981,2 triệu đồng với 732 lượt khách hàng; doanh số cho vay đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 31.034 triệu đồng với 101 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 125.035 triệu đồng với 2.534 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội là 2.700 triệu đồng với 05 lượt khách hàng vay vốn.

Công tác giải quyết việc làm: Toàn tỉnh ước tính giải quyết việc làm mới cho khoảng 8.250 lượt người.


[1] Tốc độ tăng/giảm GRDP các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng: Nam Định 11,86%; Hải Phòng 11,07%; Quảng Ninh 10,91%; Hải Dương 10,87%; Hà Nam 10,54%; Ninh Bình 9,06%; Bắc Ninh 9,05%; Thái Bình 9,04%; Hưng Yên 8,96%; Vĩnh Phúc 8,75%; Hà Nội 7,35%.

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng TK Tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây