Cục Thống kê tỉnh Nam Định

https://www.namdinh.gso.gov.vn


Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2025

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản thángdiễn ra trong điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp tập trung chăm sóc lúa, cây rau màu Vụ Xuân và gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khá do tập trung áp dụng mô hình nuôi tiên tiến, thời tiết ngư trường thuận lợi nên khai thác thủy sản tăng so với cùng kỳ.

a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Tháng 4, các địa phương trong tỉnh tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chăm sóc lúa và cây rau màu vụ Xuân, gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ. Toàn tỉnh gieo trồng 81.328 ha lúa và rau màu các loại giảm 0,79% so với cùng kỳ năm 2024.

Cây lúa: Diện tích gieo cấy lúa Xuân là 69.852 ha, giảm 0,6% so với vụ Xuân năm trước. Diện tích lúa giảm do một số nguyên nhân chủ yếu như bỏ hoang 288 ha, chuyển sang đất phi nông nghiệp 179 ha, chuyển sang trồng các loại cây hàng năm khác 46 ha. Bên cạnh đó, 183 ha đất bỏ hoang năm trước được gieo trồng lại trong vụ. Một số huyện diện tích lúa giảm nhiều như: thành phố Nam Định 135 ha, huyện Giao Thủy 111 ha, huyện Trực Ninh 67 ha…

Cây rau màu các loại: Vụ Xuân, toàn tỉnh gieo trồng được 11.476 ha cây rau màu các loại, trong đó ngô 915 ha, lạc 3.582 ha, rau các loại 4.733 ha, đậu và đỗ các loại 510 ha, hoa các loại 488 ha, … Hiện tại, cây lạc đang đâm tia củ; ngô ở giai đoạn phát triển bắp - thu hoạch.

Chăn nuôi: Tại thời điểm cuối tháng 4/2025, đàn trâu có 7.489 con tăng 3,8%; đàn bò có 28.920 con tăng 1,3%; đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) có 606.520 con giảm 1,5%; đàn gia cầm có 9.210 nghìn con, tăng 1,3%, trong đó đàn gà6.580 nghìn con tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2024.

b. Lâm nghiệp

Tổng diện tích rừng của tỉnh là 3.077,57 ha, trong đó có 1.171,01 ha rừng đặc dụng, 1.738,05 ha rừng phòng hộ, 82,78 ha rừng sản xuất. Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh ước trồng được 330 nghìn cây phân tán các loại tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

c. Thuỷ sản

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác biển 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 61.739 tấn tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 42.572 tấn tăng 3,9%; sản lượng thuỷ sản khai thác biển ước đạt 19.167 tấn tăng 2,8%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 4/2025 ước đạt 11.339 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 42.572 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Sản lượng thuỷ sản khai thác biển tháng 4/2025 ước 6.407 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Bốn tháng đầu năm ước đạt 19.167 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm 2025 duy trì đà tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,39% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ 2020 đến nay[1]; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,65%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2025 giảm 1,74% so với tháng trước và tăng 25,07% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,60% (do số giờ nắng nhiều hơn); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,21%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 27,58%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 21,30%.

Bốn tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 24,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 24,65%, đóng góp 24,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,21%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,48%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 51,23%, làm giảm 0,19 điểm phần trăm. 

Sản phẩm công nghiệp: Một số sản phẩm công nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản phẩm mây tre đan các loại tăng 19,2%; vải các loại tăng 18,6%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 12,3%; quần áo may sẵn tăng 10,7%; dây cách điện tăng 7,1%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 4,0%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2025    tăng 7,23% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 216,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 156,29%; sản xuất kim loại tăng 110,00%; sản xuất trang phục tăng 17,46%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,76%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 4,75%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/4/2025 giảm 1,49% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 51,90%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 40,79%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 34,76%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 4,74%.

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 4/2025 tăng 1,29% so với tháng trước và tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư và xây dựng

Tháng 4/2025, tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt kết quả khá. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là dự án trọng điểm được quan tâm đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 19,7% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2025 ước thực hiện 611 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó: cấp tỉnh 572 tỷ đồng, tăng 15,4%; cấp huyện 25 tỷ đồng, tăng 20,0%; cấp xã 14 tỷ đồng, giảm 21,7%.

Bốn tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.390 tỷ đồng, đạt 19,7% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cấp tỉnh 2.253 tỷ đồng, tăng 14,7%; cấp huyện 88 tỷ đồng, tăng 2,2%; cấp xã 49 tỷ đồng, giảm 33,4%.

Thu hút đầu tư: Theo Sở Tài chính tỉnh, tính đến ngày 25/4/2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 235,4 triệu USD, trong đó cấp mới cho 08 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 122,2 triệu USD.

4. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

a. Hoạt động tài chính

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 4 tháng năm 2025 ước đạt 4.294 tỷ đồng, bằng 27,7% dự toán năm và tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng năm 2025 ước đạt 11.878 tỷ đồng, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 4.294 tỷ đồng, chiếm 36,2% tổng thu và tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 5.317 tỷ đồng, chiếm 44,8% và tăng 33,3%; thu hải quan 168 tỷ đồng, chiếm 1,4% và tăng 25,1%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 13.972 tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm và tăng 56,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 2.664 tỷ đồng, chiếm 19,1% tổng chi và tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2024; chi thường xuyên 4.320 tỷ đồng, chiếm 30,9% và tăng 44,6%.

b. Hoạt động ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tháng 4/2025 ước tăng 5,9% , tổng dư nợ tín dụng tăng 5,6% so với ngày cuối cùng của năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 7, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng 4/2025 ước đạt 138.925 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ và tăng 5,9% so với ngày cuối cùng của năm trước. Phân theo khách hàng: huy động từ dân cư 122.478 tỷ đồng, chiếm 88,2% tổng nguồn vốn huy động và tăng 7,0% so với ngày cuối cùng của năm trước; huy động từ các tổ chức kinh tế 16.447 tỷ đồng, chiếm 11,8% và giảm 1,6%.

Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 131.609 tỷ đồng, tăng 26,0% so với cùng kỳ và tăng 5,6% so với ngày cuối cùng của năm trước. Phân theo kỳ hạn: cho vay ngắn hạn 98.455 tỷ đồng, chiếm 74,8% và tăng 4,6%; cho vay trung và dài hạn 33.154 tỷ đồng, chiếm 25,2% tổng dư nợ và tăng 8,8% so với ngày cuối cùng của năm trước. Phân theo loại khách hàng vay: hộ gia đình, cá nhân 86.245 tỷ đồng, chiếm 65,5% và giảm 0,2%; doanh nghiệp, hợp tác xã 45.364 tỷ đồng, chiếm 34,5% và tăng 18,8%.

c. Hoạt động bảo hiểm

Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội khu vực XIII ước tính đến ngày 30/4/2025 số người tham gia bảo hiểm xã hội 253.943 người, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 214.303 người, tăng 5,9%; số người tham gia bảo hiểm y tế 1.698.428 người.

5. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng đầu năm 2025 (773 doanh nghiệp) tăng 11,9% với tổng số lao động đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2024. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bốn tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 518 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.134 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 14.791 lao động, tăng 6,1% về số doanh nghiệp, bằng 12,3% về vốn đăng ký và gấp 2 lần về số lao động so với cùng kỳ năm 2024. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 6 tỷ đồng, bằng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, có 255 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,6%. Số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm đạt 773 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 193 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

6. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Hoạt động thương mại dịch vụ tháng Tư phát triển ổn định, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2025 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024. Bốn tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2025 ước đạt 7.080 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024. So với tháng trước, bán lẻ hàng hóa 6.252 tỷ đồng, tăng 2,5%; lưu trú và ăn uống 463 tỷ đồng, tăng 2,1%; du lịch lữ hành 2 tỷ đồng, tăng 4,7%; dịch vụ khác 363 tỷ đồng, tăng 0,1%.

Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm 2025 đạt 28.601 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 25.312 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng mức và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số nhóm hàng có tốc độ tăng cao: Lương thực, thực phẩm tăng 23,9%; hàng may mặc tăng 19,3%; đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình tăng 14,6%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 17,4%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,4%; xăng, dầu các loại tăng 6,2%; nhiên liệu khác tăng 0,2%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 30,8%; hàng hóa khác tăng 20,7%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 1.814 tỷ đồng, tăng 20,6%, trong đó: ngành lưu trú 106 tỷ đồng và 294 nghìn lượt khách, tăng 15,1% doanh thu và 13,5% lượt khách; ngành ăn uống đạt 1.708 tỷ đồng, tăng 21,0%.

Doanh thu du lịch lữ hành 8 tỷ đồng và 12,4 nghìn lượt khách, tăng 22,6% doanh thu và tăng 14,8% lượt khách. Doanh thu dịch vụ khác 1.467 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

b. Giá

Giá rau tươi, khô và chế biến tăng do cuối vụ thu hoạch, giá đồ trang sức tăng theo giá vàng thế giới là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,06% của CPI tháng 4/2025 so với tháng trước, có 06 nhóm hàng tăng giá; 03 nhóm hàng giảm giá và 02 nhóm giá ổn định.

Bình quân 4 tháng năm 2025, CPI tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng tăng 17,60% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,52%. Trong 11 nhóm hàng hóa có 8 nhóm tăng, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhiều nhất 19,68%; ba nhóm giảm là: nhóm giáo dục giảm 14,34%; nhóm giao thông giảm 3,05% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

c. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải tháng Tư phát triển khá, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hành khách vận chuyển tháng 4/2025 tăng 10,4% và luân chuyển tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa vận chuyển tăng 21,7% và luân chuyển tăng 32,0%. Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, vận chuyển hành khách tăng 4,9% và luân chuyển tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 17,2% và luân chuyển tăng 27,0% so với cùng kỳ năm trước.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Tháng năm 2025, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả. Một số dịch bệnh có xu hướng tăng nhưng được kiểm soát kịp thời. Ngành Giáo dục tiếp tục đạt nhiều thành tích cao tại các kỳ thi. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được duy trì. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thực hiện chính sách với người có công và thân nhân người có công: Trong tháng năm 2025, Sở Nội vụ tỉnh giải quyết chế độ và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công (NCC) đối với 20.888 lượt NCC và thân nhân NCC.

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 18/4/2025, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức gặp mặt đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng ôn lại chặng đường chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công tác bảo trợ xã hội: Trung tâm bảo trợ xã hội quản lý, thực hiện tốt các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các diện đối tượng đang quản lý tại Trung tâm.

Công tác giảm nghèo: Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh trong 03 tháng đầu  năm 2025 doanh số cho vay hộ nghèo là 3.800 triệu đồng với 43 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 30.622 triệu đồng với 342 lượt khách hàng; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 60.630 triệu đồng với 688 lượt khách hàng; doanh số cho vay giải quyết việc làm 147.021,2 triệu đồng với 1.684 lượt khách hàng; doanh số cho vay đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 35.885 triệu đồng với 176 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 253.490 triệu đồng với 5.112 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội là 5.300 triệu đồng với 11 lượt khách hàng vay vốn.

 

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng TK Tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây