Ngày 01 tháng 7 năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê (sau đây viết gọn là Nghị định số 94/2016/NĐ-CP). Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 94/2016/NĐ-CP quy định “thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng”.
Ngày 07 tháng 11 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Nghị định số 94/2022/NĐ-CP). Nghị định này quy định quy trình biên soạn GDP, GRDP và hệ biểu thu thập thông tin để biên soạn GDP, GRDP phục vụ cho việc công bố số liệu vào ngày 29 hằng tháng, tháng Hai là ngày cuối tháng.
Thực hiện các quy định nêu trên, công tác thu thập, biên soạn, công bố, phổ biến thông tin thống kê đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong nhiều năm trước đây, đó là: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin thống kê đã tiếp cận được nguồn thông tin để khai thác, sử dụng; khối lượng lớn thông tin thống kê được phổ biến kịp thời, minh bạch; sản phẩm thông tin thống kê đa dạng hơn; thông tin thống kê do Hệ thống tổ chức thống kê tập trung, thống kê Bộ, ngành và các cơ quan Nhà nước khác thu thập, tổng hợp, phổ biến đã trở thành nguồn thông tin thống kê chủ yếu được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thống nhất sử dụng. Việc phổ biến thông tin sớm, đúng thời gian quy định về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin thống kê của các cơ quan Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp trong quản lý điều hành.
Một số hạn chế, bất cập trong việc biên soạn, công bố, phổ biến số liệu vào ngày 29 hằng tháng, tháng Hai là ngày cuối tháng
Để kịp thời công bố, phổ biến số liệu vào “ngày 29 hằng tháng, tháng Hai là ngày cuối tháng” theo quy định nêu trên, khâu thu thập, tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện sớm để cơ quan thống kê trung ương có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương. Trong quá trình thực hiện gặp một số hạn chế, bất cập sau đây:
Một là, thông tin thu thập không phản ánh đầy đủ, đúng thực tế hoạt động của các đơn vị theo tháng hành chính, không phản ánh đúng thuật ngữ số liệu trong tháng, trong quý; số liệu có sự gối đầu từ tháng trước sang tháng sau, quý trước sang quý sau,… Vì thu thập thông tin sớm nên các số liệu chủ yếu là ước tính, dẫn đến kết quả có độ chính xác chưa cao và chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động của đơn vị cung cấp thông tin trong tháng, cụ thể:
- Thông tin, số liệu điều tra thống kê khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể của các đơn vị điều tra thống kê phải được thu thập sớm (từ ngày 01 đến ngày 12 hằng tháng), do vậy, các đơn vị điều tra thống kê phải ước tính số liệu của ít nhất 2/3 thời gian của tháng báo cáo.
- Thông tin, số liệu lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản liên quan đến báo cáo tiến độ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hằng tháng phải ước sớm hơn so với kỳ sản xuất 1/2 tháng; đối với báo cáo 6 tháng, hầu hết các chỉ tiêu đều phải ước tính dựa trên kết quả điều tra của năm trước.
- Thông tin, số liệu xuất, nhập khẩu hàng hóa phải ước tính một số ngày trong tháng dẫn đến có sự chênh lệch với số liệu chính thức do Tổng cục Hải quan công bố (thời điểm công bố sau thời gian công bố số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).
- Thông tin, số liệu ước tính thu, chi ngân sách phục vụ biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP), Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) vào ngày 15 tháng cuối quý, do đó vẫn phải ước tính khoảng 15 ngày cho quý…
Hai là, với quy định công bố vào ngày 29 hằng tháng dẫn đến xung đột, dễ gây hiểu nhầm cho người sử dụng thông tin thống kê đối với một số chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) công bố và do bộ, ngành có liên quan công bố vì thời điểm công bố, thời kỳ số liệu khác nhau. Ví dụ: Bộ Tài chính gửi thông tin số liệu ước tính thu, chi ngân sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) phục vụ biên soạn GDP vào ngày 15 tháng cuối quý, trong khi số liệu báo cáo của Bộ Tài chính tính đến ngày 28 hằng tháng.
Ba là, đối với thông tin, dữ liệu hành chính tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh: Báo cáo của các cơ quan thường gửi muộn hơn so với thời gian yêu cầu của cơ quan thống kê. Ngoài ra, báo cáo của một số tháng phải cập nhật lại số liệu sát thời điểm công bố số liệu do ước tính của các đơn vị tại thời điểm gửi báo cáo cho cơ quan thống kê chưa sát với thực tế. Trong khi đó, thời gian kiểm tra, rà soát, tính toán, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu tổng hợp ngắn, gấp; thời gian thu thập thông tin tại địa bàn ngắn và có nhiều cuộc điều tra cùng diễn ra nên tạo áp lực lớn đối với cơ quan thống kê.
Trước thực tế đó, việc cần có nghiên cứu, trình sửa đổi Nghị định số 94/2016/NĐ-CP quy định “thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng” là thực sự cần thiết./.
Trần Thị Luyến
Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê -TCTK