Giá gạo tăng; giá xăng, dầu tăng theo giá thế giới là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 10 và 10 tháng các năm 2020-2024 (%)
Trong mức tăng 0,55% của CPI tháng 10/2024 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng tăng giá; 01 nhóm hàng giảm giá và 03 nhóm giá ổn định.
(1) Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá gồm:
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống uống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong CPI tăng 1,47% so với tháng trước, trong đó: lương thực tăng 1,86%[1]; thực phẩm tăng 1,85%[2]; ăn, uống ngoài gia đình tăng 0,07%[3].
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,06% tập trung ở các mặt hàng dịch vụ về hỉ tăng 9,16% do nhu cầu tăng; đồ trang sức tăng 3,42%; dịch vụ về hiếu tăng 0,47%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,34%.
Nhóm giao thông tăng 0,53% do giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Bình quân tháng 10/2024 giá nhiên liệu tăng 0,97% trong đó, giá xăng tăng 1,00%, cụ thể: xăng A95 bình quân tăng 361 đồng/lít, xăng E5 tăng 45 đồng/lít. Bên cạnh đó, giá phụ tùng tăng 0,30%, trong đó lốp, săm xe đạp tăng 2,03%; phụ tùng khác của xe đạp tăng 1,27%. Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,37%, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 32,75%; vận tải hành khách kết hợp tăng 1,51%. Giá dịch vụ sửa chữa xe máy tăng 0,18% do nhu cầu của người dân và chi phí nhân công tăng. Giá phương tiện đi lại tăng 0,17%, trong đó xe máy tăng 0,47%; xe đạp tăng 0,30% do nhu cầu tăng khi học sinh vào năm học mới.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16% do chi phí nhân công và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng. Trong đó, giá máy giặt tăng 0,39%; ổn áp điện tăng 0,64%; quạt điện tăng 0,25%; đồng hồ treo tường, để bàn và gương tăng 0,57%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,22%; hàng thủy tinh, sành, sứ tăng 0,63%; dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình tăng 0,59%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12% chủ yếu ở một số mặt hàng: sách các loại tăng 1,47%; chụp, in tráng ảnh tăng 1,10%; đồ chơi trẻ em tăng 0,37%; hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1,15%. Ở chiều ngược lại, giá vé thuê chỗ chơi thể thao giảm 0,34%.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm tăng khi thời tiết chuyển mùa. Trong đó, vải tăng 1,29%; găng tay, thắtt lưng tăng 0,69%; giầy, dép tăng 0,10%; dịch vụ may mặc tăng 0,75%.
Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01% nguyên nhân giá sửa chữa điện thoại tăng 0,56% do chí phí nhân công tăng.
(2) Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,33% nguyên nhân giá điện sinh hoạt giảm 2,76% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi thời tiết mát mẻ.
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng có giá tăng: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,06%, trong đó giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính tăng 0,04%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác tăng 0,13%. Giá nước sinh hoạt tăng 0,98% do nhu cầu tiêu thụ tăng. Giá gas tăng 2,56%, nguyên nhân từ ngày 01/10/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 4.600 đồng/bình 12 kg và 18.500 đồng/bình 48kg sau khi giá gas thế giới bình quân tháng 10 tăng 22,5 USD/ tấn (từ mức 600 USD /tấn lên mức 622,5 USD/tấn). Giá dầu hỏa tăng 1,00% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá làm giá dầu hỏa tăng 182 đồng/lít.
Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng tăng 19,47% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,02%. Trong 11 nhóm hàng hóa có 9 nhóm tăng, trong đó nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhiều nhất 10,06%; hai nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,42%) và nhóm giao thông giảm (0,05%).
[1] Chỉ số giá gạo tăng 1,98% theo giá gạo xuất khẩu (Giá mặt hàng gạo tẻ thường tăng 2,25%; gạo tẻ ngon tăng 1,19%; gạo nếp tăng 1,37%). Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như: giá khoai tăng 15,67%; ngô tăng 5,24%; sắn tăng 4,27%; bột mì tăng 3,77%; bánh mì tăng 1,59%; mỳ sợi, mỳ, phở/ cháo ăn liền tăng 0,90%.
[2] Giá thịt lợn tăng 0,58%; thịt gia cầm tăng 0,48%; thịt chế biến tăng 1,43%; thịt quay, giò, chả tăng 1,44%; thịt hộp tăng 0,55%; thịt chế biến khác tăng 1,25%; giá trứng các loại tăng 1,05%. Thủy sản tươi sống tăng 1,79% do mưa bão xảy ra ở các tỉnh miền Trung nên hoạt động khai thác thủy hải sản gặp khó khăn, nguồn cung giảm, trong đó cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,01%; tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,53%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 2,02%. Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,35%; đồ gia vị tăng 0,31%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,03%. Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 9,95% do một số loại rau, củ, quả cuối vụ thu hoạch, trong đó rau muống tăng 30,06%; su hào tăng 21,47%; bắp cải tăng 15,52%; cà chua tăng 14,48%. Giá quả tươi, chế biến tăng 5,40%, trong đó quả tươi khác tăng 7,78%; quả có múi tăng 5,14%; chuối tăng 2,61%.
[3] Do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và chi phí nhân công tăng. Trong đó, giá uống ngoài gia đình tăng 0,31%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 1,02%.
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Bích Ngọc - Phòng TK Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn