Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023

Thứ hai - 10/07/2023 02:59
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 13,27%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,38%.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã chủ động hơn về kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi và duy trì sản xuất.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2023 tăng 5,60% so với tháng trước và tăng 14,15% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,08%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,68%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 1,08%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,77%.d

Hình: Tốc độ tăng/giảm IIP 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,38%, đóng góp 13,0 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,93%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,59%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 31,38%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.

Một số nhóm sản phẩm công nghiệp 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước: Thịt lợn đông lạnh tăng 13,79%; sợi các loại tăng 15,23%; vải các loại tăng 8,37%; quần áo may sẵn tăng 11,01%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 22,55%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép tăng 7,79%;... Bên cạnh đó, một sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Muối chế biến giảm 23,88%; khăn các loại giảm 8,61%; thuốc dạng lỏng giảm 16,92%; phụ tùng xe đạp giảm 31,11%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2023 tăng 5,66% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng, chỉ số này tăng 3,24% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,52%; dệt tăng 230,12%; sản xuất trang phục tăng 11,14%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,25%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 27,23%; sản xuất máy móc và thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 17,85%... Ngược lại, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 17,33%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 26,70%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 15,37%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 giảm 13,14% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18,95%; sản xuất trang phục giảm 15,14%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 51,66%. Ở chiều ngược lại một số ngành có chỉ số tồn kho tăng: Dệt tăng 80,72%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 34,21%.

 

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 6/2023 tăng 6,05% so với tháng trước và tăng 15,94% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, loại hình doanh nghiệp nhà nước giảm 9,43%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,34% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,35% so với tháng trước.

 

Tác giả bài viết: Nguyến Minh Sang - Phòng Thống kê Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây