Bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi như: hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gia tăng gay gắt; xung đột tại Ukraine; kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi chậm, lạm phát có dấu hiệu chững lại nhưng ở mức cao; tổng cầu và tổng cung suy yếu, nhiều thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp,... Đa số các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra vào đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022.
Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đã được tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực. Do đó, kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục chuyển biến tích cực; duy trì đà kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Trước tình hình đó, tỉnh Nam Định đã chủ động, kịp thời chỉ đạo điều hành các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến và thu hút đầu tư; đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội gắn với bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp do đó kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định 9 tháng năm 2023 đạt được kết quả khá tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực. Cụ thể:
(1) Kinh tế tỉnh Nam Định 9 tháng năm 2023 tăng trưởng 9,06% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao trong vùng và cả nước (xếp thứ 3/11 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 6/63 tỉnh, thành cả nước).
Hình 1: Tốc độ tăng GRDP 9 tháng so với cùng kỳ (%)
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,33% so với cùng kỳ, đóng góp 0,65 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định tăng 13,47%, đóng góp 5,58 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa của Chính phủ, tăng 7,11%, đóng góp 2,56 điểm phần trăm; trong đó ngành bán buôn và bán lẻ tăng 10,82%; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,22%; hoạt động tài chính, ngân hàng tăng 8,23%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,84%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm.
(2) Năng suất các loại cây trồng đạt khá, sản lượng một số cây hàng năm tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan.
Năng suất lúa vụ Xuân năm 2023 đạt 69,51 tạ/ha, tăng 0,06 tạ/ha so với vụ Xuân năm trước.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 9 tháng năm 2023 đạt 150.988 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 113.454 tấn, tăng 2,9%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 27.646 tấn, tăng 5,5%. Sản lượng trứng gia cầm 370.881 nghìn quả, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng thuỷ sản đạt 145.812 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: sản lượng nuôi trồng tăng 5,2% và sản lượng khai thác tăng 2,%.
(3) Ngành công nghiệp tăng trưởng khá. Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao,... Các doanh nghiệp đã chủ động hơn về kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi và duy trì sản xuất. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tăng 13,96% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,13%.
Hình 2: Tốc độ tăng/giảm IIP 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước
(4) Vốn đầu tư thực hiện tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện khu vực Nhà nước tăng 14,6% cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Nam Định trong việc đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Các công trình trọng điểm của Nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định (2020-2024) có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (2022-2027) có tổng mức 5.995 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (2022-2025) tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (2022-2025) tổng mức đầu tư 1.499 tỷ đồng;…
Các công trình phát triển cơ sở hạ tầng xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục được huy động tối đa nguồn lực: KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận, KCN Bảo Minh mở rộng, CCN Yên Bằng, CCN Thanh Côi đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật, đồng thời xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Dự án của doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục được đầu tư xây dựng, thi công: Công ty cổ phần Naditex xây xưởng sản xuất phụ kiện ngành may diện tích 2.125,5 m2; Công ty TNHH sơn Newtec Group xây xưởng phối trộn sơn diện tích 2.520 m2. KCN Mỹ Thuận đang trong quá trình xây dựng nhưng thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn lớn: Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) phát triển Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao, tổng mức đầu tư 100 triệu USD; Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) phát triển Dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao, tổng mức đầu tư 100 triệu USD; Dự án Xây dựng nhà xưởng F1 sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của Tập đoàn Quanta Computer Inc với tổng mức đầu tư 120 triệu USD trên diện tích hơn 225.000 m2.
(5) Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến ngày 15/9/2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 36 dự án (bao gồm 25 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 1.835,3 tỷ đồng và 181,9 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 10 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 178,5 triệu USD.
Chín tháng năm 2023, UBND tỉnh Nam Định đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư VSIP trong chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tới Việt Nam tháng 8/2023. Ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta có tổng mức đầu tư 120 triệu USD; ký thỏa thuận với Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) phát triển dự án đầu tư 100 triệu USD và Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) phát triển dự án đầu tư 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án SANBANG PTE.LTD (Singapore) sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY tại Khu công nghiệp Rạng Đông,… Đây là các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
(6) Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển tích cực và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng năm 2023 đạt 50.401 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với 9 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 và tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.
Hình 3: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng giai đoạn 2019-2023
Hoạt động vận tải 9 tháng năm 2023 duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa; đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vận chuyển hành khách tăng 11,3% và luân chuyển tăng 9,1%; vận chuyển hàng hóa tăng 18,8% và luân chuyển hàng hóa tăng 17,4%.
(7) Đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả. Dịch Covid-19 được kiểm soát; một số dịch bệnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Ngành Giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023; duy trì thành tích cao tại các kỳ thi. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được duy trì; thể thao thành tích cao có những thành tích đáng ghi nhận. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Sang - Phòng TK Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn