ĐIỂM SÁNG TRONG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NAM ĐỊNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Thứ hai - 05/07/2021 20:47

Tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tích cực những tháng cuối năm 2020, kinh tế Nam Định 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt là những điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 4 đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với sự điều hành sát sao, có trọng tâm, trọng điểm của chính quyền các cấp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 duy trì và phát triển ổn định, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

   Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 22.886 tỷ đồng, tăng 7,08%, cao hơn mức tăng 5,59% của cùng kỳ năm trước cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng. Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 như sau:

   1. Trong ngành nông nghiệp, vụ lúa xuân được mùa, năng suất của hầu hết các cây trồng đều đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định. Ngành thủy sản tăng khá với sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 87.257 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

   2. Ngành công nghiệp đạt mức tăng khá 11,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ngành đóng góp lớn nhất với 3,20 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng 7,08% của toàn nền kinh tế. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và nền kinh tế.

   3. Tập trung hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án lớn, công trình trọng điểm của tỉnh: Giai đoạn 1 dự án Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C; Xây dựng đường trục trung tâm phía Nam thành phố Nam Định, khu đô thị mới phía Nam sông Đào; Nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống lụt, bão đê hữu sông Hồng và đê tả sông Đào; Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; Dự án Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần,…

   4. Hoạt động thương mại, dịch vụ 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại. Hoạt động xuất, nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ; xuất khẩu ước đạt 1,14 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 477,3 triệu USD.

   5. Đáng chú ý là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp tăng nhiều. Toàn tỉnh có 421 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 9.551 tỷ đồng, tăng 14,4% về số lượng doanh nghiệp và vốn đăng ký gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 253 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Nam Định 6 tháng đầu năm vẫn tồn tại những điểm cần lưu ý như sau:

   1. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận ca dương tính virus SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng. Mặc dù vắc-xin phòng chống dịch đã được triển khai tuy nhiên nhiều biến thể mới xuất hiện gây khó khăn cho công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

   2. Tăng trưởng kinh tế đạt mức tích cực nhưng chưa đạt tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, một số ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn xuất hiện trên một số địa phương trong tỉnh: Bệnh Viêm da nổi cục trên bò và tái phát dịch tả lợn Châu Phi.

   3. Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thể phục hồi nhanh như thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra do một số ngành phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước trên thế giới hiện chưa kiểm soát được dịch bệnh.

   4. Tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy những tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 là 652 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại của nền kinh tế, để có thể hoàn thành cao nhất mục tiêu, kế hoạch năm 2021, một số giải pháp được đưa ra như sau:

   1. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế.

   2. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp bằng việc đẩy mạnh tái đàn lợn, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn song song với việc phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhu cầu thị trường.

   3. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án lớn, công trình trọng điểm của tỉnh.

   4. Cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Sang - Phòng Thống kê Kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây