Với quyết tâm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự ủng hộ của Nhân dân và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Nam Định tiếp tục xu hướng phục hồi và có bước phát triển:
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 theo giá so sánh 2010 ước đạt 25.050 tỷ đồng, tăng 8,37% so với cùng kỳ năm trước.
Năng suất các loại cây trồng vụ đông xuân đạt khá; ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đều tăng so với cùng kỳ năm trước; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định góp phần giúp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%, đóng góp 0,80 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định với mức tăng 14,69% so với cùng kỳ năm trước giúp khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,98%, đóng góp 4,94 điểm phần trăm.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh khởi sắc với tất cả các ngành đều tăng trưởng dương; nhiều hoạt động sôi động trở lại góp phần làm khu vực dịch vụ tăng 6,97%, đóng góp 2,48 điểm phần trăm.
2. Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật; ngành chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá: Năng suất các loại cây trồng vụ đông xuân tương đương và cao hơn so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát. Ngành thủy sản duy trì mức tăng khá, sản lượng và hiệu quả kinh tế được nâng lên.
Trồng trọt: Vụ đông xuân năm 2022 toàn tỉnh gieo trồng 92.288 ha cây hàng năm các loại, giảm 0,9% (-815 ha) so với vụ đông xuân năm 2021. Năng suất lúa và các loại cây rau màu tương tương và cao hơn vụ đông xuân năm 2021. Năng suất lúa vụ xuân năm 2022 sơ bộ đạt 69,50 tạ/ha. Sản lượng lúa đạt 493.508 tấn, giảm 1,1% (-5.508 tấn) so với vụ xuân năm 2021.
Chăn nuôi và thú y: Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi lợn dần phục hồi do các trang trại, hộ chăn nuôi chủ động được nguồn giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 104.371 tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Thuỷ sản: Sáu tháng đầu năm 2022, các cơ sở nuôi trồng, khai thác thuỷ sản đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao sản lượng thuỷ sản và hiệu quả kinh tế. Sản lượng thuỷ sản ước đạt 89.780 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
3. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Sáu tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 13,50% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp cấp II chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm liên quan; dệt; sản xuất đồ uống; sản xuất thiết bị điện…
4. Hoạt động thương mại và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, một số ngành sôi động trở lại khi đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái của những năm trước dịch Covid-19.
Sáu tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 29.404 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu hoạt động thương nghiệp tăng 14,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16,7%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 6,8%; doanh thu dịch vụ khác tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
5. Duy trì đà tăng trưởng năm 2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 2.155 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.341 triệu USD, tăng 13,3%; trị giá hàng hóa nhập khẩu ước đạt 814 triệu USD, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2021. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 527 triệu USD
6. Dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 có những tín hiệu tích cực: Vốn đầu tư phát triển theo giá hiện hành tăng 10,3%; giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn sáu tháng năm 2022 ước đạt 19.677 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngoài Nhà nước tăng 15,2%.
Thu hút đầu tư: Trong 6 tháng đầu năm 2022 (tính đến ngày 16/6/2022) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 17 dự án tổng số vốn đăng ký là 29.356 tỷ đồng và 5,04 triệu USD (bao gồm 15 dự án đầu tư trong nước và 02 dự án FDI).
7. Theo nhận định của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2022 tích cực hơn quý I/2022 với 87,78% số doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định (tỷ lệ tương ứng ở quý I/2022 là 64,96%). Dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III/2022 lạc quan hơn quý II/2022 với 96,18% doanh nghiệp cho rằng hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định.
Các chỉ tiêu đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo quý III/2022 đều có xu hướng tốt hơn quý II/2022. Trong đó, các chỉ tiêu quan trọng (về khối lượng sản xuất, về số lượng đơn đặt hàng mới, về số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới) đều phản ánh trên 90% doanh nghiệp cho rằng tốt hơn và giữ ổn định
8. Sáu tháng đầu năm 2022, tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không có hộ thiếu đói. Kinh tế dần hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được các cấp, các ngành quan tâm và đảm bảo; giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, sáu tháng cuối năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu. Để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Sang - Phòng Thống kê Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn