I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Kinh tế tỉnh Nam Định năm 2022 tăng trưởng 9,07% so với năm 2021, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 theo giá so sánh 2010 ước đạt 53.180 tỷ đồng, tăng 9,07% so với năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,11%, đóng góp 5,30 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,47%, đóng góp 2,69 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,00%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm.
Quy mô, cơ cấu kinh tế: Quy mô GRDP tỉnh Nam Định năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 91.966 tỷ đồng, tăng 9.125 tỷ đồng, tương đương tăng 11,01% so với năm 2021. Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng 42,65%; khu vực dịch vụ 34,78%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,18% (Cơ cấu tương ứng năm 2021 là: 20,80%; 41,86%; 34,26%; 3,08%).
2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 vượt kế hoạch đề ra. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng chế độ.
b. Hoạt động ngân hàng
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm, kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm theo quy định; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ ngày 01/01/2022 theo quy định của Chính phủ.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Năng suất các loại cây trồng đạt khá; chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát. Ngành thủy sản duy trì mức tăng khá, sản lượng và hiệu quả kinh tế nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào tăng cao.
a. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Năm 2022, diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 173.159 ha, giảm 1,0% (-1.678 ha) so với năm 2021. Diện tích gieo trồng cả năm giảm do diện tích gieo trồng ba vụ đều giảm so với năm trước.
Tính chung cả năm 2022: Diện tích gieo trồng lúa đạt 143.009 ha, giảm 1,3% (-1.902 ha) so với năm trước chủ yếu do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất. Năng suất lúa cả năm đạt 61,12 tạ/ha, tăng 0,7% (+0,45 tạ/ha); sản lượng thóc cả năm đạt 874.029 tấn, giảm 0,6% (-5.197 tấn) so với năm 2021. Nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định hình thành qua đó giải quyết thị trường tiêu thụ, nâng cao năng suất và chất lượng gạo trên địa bàn tỉnh.
Chăn nuôi và thú y: Chăn nuôi gia cầm phát triển; dịch bệnh trên đàn vật nuôi kiểm soát tốt. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi trong năm gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn ở mức cao ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của người chăn nuôi.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại năm 2022 ước đạt 197.251 tấn, tăng 0,8% (+1.642 tấn) so với năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 149.150 tấn, giảm 0,9% (-1.320 tấn); sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 34.993 tấn, tăng 8,1% (+2.632 tấn). Sản lượng trứng gia cầm 454.099 nghìn quả, tăng 9,8% (+40.401 nghìn quả) so với năm 2021.
b. Lâm nghiệp
Năm 2022, tỉnh hoàn thành kế hoạch trồng 1,2 triệu cây phân tán các loại. Đây là những cây bản địa, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Cây phân tán trồng tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ môi trường.
Sản lượng gỗ khai thác sơ bộ đạt 4.602 m3, tăng 0,5% (+24 m3); sản lượng củi khai thác 12.338 ste, tăng 0,8% (+103 ste) so với năm 2021. Sản lượng gỗ và lâm sản khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn, chủ yếu được khai thác từ diện tích cây phân tán.
c. Thuỷ sản
Sản xuất thuỷ sản năm 2022 duy trì ổn định. Các phương tiện tàu thuyền được tăng cường đầu tư, nâng cấp để vươn khơi khai thác xa bờ. Nuôi trồng thủy sản phát triển các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao; hình thành vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.
Sản lượng thuỷ sản tháng 12/2022 ước đạt 15.049 tấn, tăng 4,9% (+707 tấn) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: Thuỷ sản khai thác 4.291 tấn, tăng 2,2% (+94 tấn); thuỷ sản nuôi trồng 10.758 tấn, tăng 6,0% (+613 tấn).
Tính chung năm 2022, sản lượng thuỷ sản ước đạt 187.318 tấn, tăng 4,9% (+8.745 tấn) so với năm trước; trong đó: Thuỷ sản khai thác 58.541 tấn, tăng 1,9% (+1.100 tấn); thuỷ sản nuôi trồng 128.777 tấn, tăng 6,3% (+7.645 tấn).
4. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp năm 2022 duy trì xu hướng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,29% so với năm 2021, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,58%. Bước sang năm 2023, sản xuất công nghiệp được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ngành dệt may, da giày với sự sụt giảm về đơn hàng, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.
a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Sản xuất công nghiệp tháng 12/2022 giảm mạnh 12,46% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 11,86%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,80%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,76%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 1,31% so với tháng trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tăng 14,29% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,58%, đóng góp 14,10 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,37%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,91%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,72%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp cấp II duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất năm 2022 tăng so với năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,10%; Sản xuất đồ uống tăng 11,25%; dệt tăng 12,26%; sản xuất trang phục tăng 21,00%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 13,31%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 17,14%,… Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 9,43%; sản xuất kim loại giảm 4,18%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 24,49%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 29,17%.
b. Sản phẩm sản xuất chủ yếu
Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2022 tăng so với năm trước: Thịt lợn đông lạnh tăng 6,6%; bánh kẹo các loại tăng 6,9%; bia đóng chai tăng 21,9%; vải các loại tăng 21,6%; quần áo may sẵn tăng 14,6%; giày, dép các loại tăng 11,8%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 10,8%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với năm trước: Muối biển giảm 18,2%; gạo xay xát giảm 9,1%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 19,3%; bao bì và túi bằng giấy giảm 3,9%.
c. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2022 giảm 2,3% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2022, chỉ số này tăng 5,08% so với năm 2021.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2022 tăng 5,33% so với cùng thời điểm năm trước.
d. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 12 tăng 1,91% so với tháng trước và tăng 0,45% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 0,99% so với năm 2021. So
5. Đầu tư và xây dựng
Hệ thống kết cấu hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư. Các dự án tập trung triển khai thực hiện nhằm đạt khối lượng tối đa cùng với tín hiệu tích cực khu vực doanh nghiệp, hộ dân cư góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định. Hoạt động đầu tư, xây dựng năm 2022 đạt kết quả khá: Vốn đầu tư phát triển theo giá hiện hành tăng 16,5%; giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 9,5% so với năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2022 ước đạt 48.720 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước 8.151 tỷ đồng, tăng 4,8%; vốn ngoài Nhà nước 36.224 tỷ đồng, tăng 19,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.345 tỷ đồng, tăng 13,8%.
Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2022 ước đạt 5.555 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2021, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 5.003 tỷ đồng, tăng 0,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 222 tỷ đồng, tăng 94,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 330 tỷ đồng, tăng 15,7%.
b. Xây dựng
Hoạt động xây dựng năm 2022 trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong tỉnh và cả nước có tín hiệu phục hồi sau hai năm chịu tác động bởi dịch bệnh. Nhu cầu về nhà ở tăng cao, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được quan tâm triển khai thực hiện. Việc thi công các dự án trọng điểm, công trình xây dựng hạ tầng các KCN, CCN đảm bảo tiến độ góp phần giúp ngành xây dựng đạt kết quả khá tích cực. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh năm 2022 ước đạt 23.330 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021.
6. Hoạt động của doanh nghiệp
a. Tình hình đăng ký kinh doanh
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoạt động trở lại năm 2022 tăng khá 12,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng mạnh 58,2% so với năm trước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, năm 2022 có 1.055 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 10.017 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 15.897 lao động, tăng 14,7% về số doanh nghiệp, bằng 42,5% về vốn đăng ký và tăng 36,0% về số lao động so với năm 2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 25,6 tỷ đồng, bằng 37,0% so với năm trước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 469 doanh nghiệp, tăng 7,8% so với năm 2021. Bình quân một tháng có 127 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (năm 2021 là 113 doanh nghiệp).
b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 76,34% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định; 23,66% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý III/2022. Dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2023 khó khăn hơn quý IV/2022 với 34,35% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
7. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a. Tình hình nội thương
Hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2022 khôi phục, phát triển tích cực ở tất cả các ngành và sôi động hơn về tháng cuối năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12/2022 tăng 9,5% so với tháng trước, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 60.298 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12/2022 ước đạt 5.781 tỷ đồng, tăng 9,5% so với tháng trước. Trong đó: Thương nghiệp 5.171 tỷ đồng, tăng 9,9%; lưu trú và ăn uống 318 tỷ đồng, tăng 5,6%; du lịch lữ hành 1 tỷ đồng, tăng 6,2%; dịch vụ khác 291 tỷ đồng, tăng 7,0% so với tháng trước.
Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với nhiều năm trở lại đây, đạt 60.298 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2021.
b. Xuất nhập khẩu
Xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức tăng khá so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 4.521 triệu USD, tăng 9,1% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 3.000 triệu USD, tăng 12,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1.479 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 374 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3.000 triệu USD, tăng 12,5% so với năm 2021, trong đó: Khu vực Nhà nước 50 triệu USD, giảm 13,7%; khu vực ngoài Nhà nước 873 triệu USD, tăng 32,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 2.077 triệu USD, tăng 6,7%. Mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng may mặc, da giầy và lâm sản.
c. Giá cả
Giá xăng dầu giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng và chính sách khuyến mãi các mặt hàng điện tử, viễn thông thời điểm cuối năm là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,10% so với tháng trước và tăng 5,72% so với tháng 12/2021.
d. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải năm 2022 phục hồi tích cực; các tuyến xe khách đường dài được mở lại, số chuyến tăng lên đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; vận tải hàng hóa tăng trưởng theo sự hồi phục sản xuất, kinh doanh. Tính chung năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 15,3% so với năm trước, luân chuyển hành khách tăng 2,2% và vận chuyển hàng hóa tăng 3,7%, luân chuyển hàng hóa tăng 2,4%.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Dân số và lao động
a. Dân số
Dân số trung bình tỉnh Nam Định năm 2022 là 1.876.854 người. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện: Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng giảm.
Dân số trung bình năm 2022 là 1.876.854 người, tăng 2,2% so với năm 2021. Trong tổng dân số, dân số thành thị 380.460 người, chiếm 20,3%; dân số nông thôn 1.496.394 người, chiếm 79,7%; dân số nam 919.506 người, chiếm 49,0%; dân số nữ 957.348 người, chiếm 51,0%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 96 nam/100 nữ.
b. Lao động
Tình hình lao động, việc làm năm 2022 chuyển biến tích cực: Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm; chất lượng lao động được cải thiện. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 1.065.029 người, bao gồm 337.484 người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 5,3% so với năm trước, chiếm 31,7% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 426.243 người, tăng 7,5%, chiếm 40,0%; khu vực dịch vụ 301.302 người, tăng 3,8%, chiếm 28,3%. Chuyển dịch lao động tiếp tục theo xu hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ với tỷ trọng lao động tương ứng trong các khu vực năm 2021 là: 34,2%; 38,0%; 27,8%.
2. Đời sống dân cư
Năm 2022, tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không có hộ thiếu đói. Kinh tế dần hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được các cấp, các ngành quan tâm và đảm bảo; giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.
Mức sống dân cư: Thu nhập bình quân một người một tháng theo giá hiện hành năm 2022 đạt 5.100 nghìn đồng, tăng 15,6% so với năm 2021 (687 nghìn đồng). Trong đó, khu vực thành thị 6.495 nghìn đồng, tăng 16,2%; khu vực nông thôn 4.957 nghìn đồng, tăng 15,0% so với năm trước.
Thực hiện chính sách với người có công: Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ, tri ân những người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân quan tâm bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ và các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, với tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng. Giải quyết cho khoảng 50 ngàn lượt người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ chính sách theo quy định.
Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng Thống kê Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn