Hồ Chí Minh người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của việt nam

Thứ năm - 18/05/2023 21:15

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của Nhân dân ta đứng trước khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt. Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin; bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất mới của thời đại mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga, Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin,  ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng, cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ lỗi lạc, kiên cường, trong sáng, suốt đời chiến đấu cho hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến bộ xã hội.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, độc lập dân tộc là mục tiêu xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể thấy, trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, từ năm 1911, với “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Hồ Chí Minh đã tham gia hoạt động đấu tranh trong phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức cũng như tham gia phong trào của giai cấp công nhân ở các nước tư bản. Bằng con đường lao động, Người làm đủ mọi nghề, đi qua nhiều vùng đất khác nhau và thực hiện nhiều hoạt động khác nhau như: tham gia sinh hoạt của công nhân, thợ thuyền, tiếp xúc với báo chí, lập hội, viết báo, viết sách phản ánh về nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc thuộc địa, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc. Thực tiễn này đã giúp Người nhận rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản và thực dân, cũng như hình thành ở Người tình hữu ái giai cấp đối với những người cùng khổ. Cũng chính thực tiễn ấy đã đem lại cho Người những kết luận quan trọng, tác động sâu sắc đến tư tưởng, quan điểm của Người. Đó là, ở đâu đế quốc tư bản thực dân cũng dã man, tàn bạo, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính, ở đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau, họ phải được tập hợp lại, chủ động đấu tranh, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính” phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến; là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa. Trong các danh nhân ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà văn hóa vĩ đại nhất của Việt Nam trong thời đại ngày nay. Người là danh nhân văn hóa thế giới, có tầm ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc, mà còn đối với sự phát triển của nền văn hóa thế giới, văn hóa tương lai của nhân loại. Trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm về văn hóa là viên ngọc sáng lấp lánh, có vị trí quan trọng, hàm chứa những giá trị to lớn đối với sự phát triển và nâng cao tầm vóc của nền văn hóa Việt Nam.

Không chỉ là nhà thơ, với những vần thơ khi thì sắc bén, mang đậm tính cách mạng, khi là những câu viết thể hiện chất trữ tình đằm thắm và một tâm hồn lạc quan, tươi sáng nhưng ẩn chứa trong đó là một tấm lòng luôn canh cánh nỗi niềm lo âu cho vận mệnh nước nhà, Người còn là nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Chính Hồ Chí Minh là người đã khai sáng ra nền văn học cách mạng, dùng ngòi bút làm vũ khí tuyên truyền cho cách mạng. Ngay khi mới sang Pháp, tác phẩm Con rồng tre và các truyện Vi hành, Những lời than vãn của bà Trưng Trắc đã góp phần đả kích và phơi bày sự thật về chuyến đi của vua bù nhìn Khải Định, khi ông ta sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa tại Marseille (tháng 6-1922). Sau này, với những bài viết thuộc nhiều thể loại khác nhau đăng trên các báo như L’Humanité (Nhân đạo), La vie Ouvrière (Đời sống công nhân), La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản), Pravda (Sự thật)… trong những năm tháng sống và hoạt động ở nước ngoài cũng như những bài viết đăng trên các báo Nhân dân, Cứu quốc… Khi ở cương vị là Chủ tịch nước, cùng những tờ báo do Người sáng lập như Le Paria (1922), Thanh niên (1925), Việt Nam Độc lập (1941)… đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân các thuộc địa, thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa, giáo dục về chủ nghĩa xã hội, xây dựng kinh tế, bồi dưỡng con người mới…

Quan điểm nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa là: Người đã khẳng định văn hóa là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Người nêu rõ yêu cầu văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ,… Văn hóa tạo sức mạnh vật chất, tinh thần thắng ngoại xâm theo tinh thần văn minh thắng bạo tàn. Nếu kinh tế nâng cao đời sống vật chất, thì văn hóa có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. “Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đã chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới”.

Về giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, việc xây dựng nền giáo dục mới phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, có tác dụng “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Về văn hóa – văn nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các quan điểm cơ bản định hướng cho việc xây dựng nền văn nghệ cách mạng: Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, người hoạt động văn hóa, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng. Nội dung này là sự nhấn mạnh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa, văn nghệ trong sự nghiệp cách mạng, coi mặt trận văn hóa cũng có tầm quan trọng như mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành từ những năm 20 thế kỷ XX và tiếp tục được phát triển qua các giai đoạn cách mạng sau này. Ý nghĩa của quan điểm về mặt trận văn hóa, chiến sĩ văn hóa là: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Về đạo đức mới, lối sống mới, nếp sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, để xây dựng đời sống mới, thì phải xây dựng đạo đức mới, xây dựng lối sống văn minh, nếp sống mới. Trước hết cần “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” vì “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”. Để xây dựng lối sống mới, cần phải sửa đổi “cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại”. Trong xây dựng nền văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh quan điểm phải giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (năm 1942), Người đặt ra vấn đề quan trọng hàng đầu là: Dân ta phải biết sử ta. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định việc kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc của văn hóa Việt Nam đồng thời với việc không ngừng tự làm phong phú qua việc tiếp thu, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Hai quá trình này cùng diễn ra, làm cho nền văn hóa mới ở Việt Nam vừa mang những đặc trưng phản ánh cốt cách, bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với trình độ văn minh tiên tiến, hiện đại của nhân loại. Hơn nữa, cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc khi được phát triển, phát huy hết mức sẽ đạt đến tầm cao nhân loại, trở thành giá trị chung của nhân loại.

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh là cơ sở, nền tảng cho Đảng xây dựng đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay với các định hướng cơ bản, như xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện thụ hưởng văn hóa của nhân dân; bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; gắn việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam với việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới.

Nguồn: Sưu tầm, tổng hợp từ tapchicongsan.org.vn; baochinhphu.vn

Nguồn tin: https://www.gso.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây