I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 01/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào thu hoạch cây vụ đông và chuẩn bị các điều kiện để gieo trồng cây vụ xuân. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Ngành thủy sản duy trì với sản lượng đạt khá.
a. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Trong tháng các địa phương tập trung thu hoạch cây vụ đông và đẩy nhanh tiến độ làm đất, lấy nước, xuống giống gieo mạ, cấy, sạ vụ Xuân.
Sản xuất vụ đông: Vụ đông năm 2021-2022, toàn tỉnh gieo trồng 9.442 ha cây hàng năm, giảm 0,8% (-79 ha) so với vụ đông năm trước; trong đó diện tích trồng trên đất 2 lúa 970 ha.
Sản xuất vụ xuân: Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2022 toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 72.000 ha lúa và gieo trông 11.810 ha cây rau mau các loại. Hiện nay các địa phương đang tập trung cay lật đất, vệ sinh đồng ruộng. Tính đến ngày 19/01/2022, toàn tỉnh đã cày ải được 95% diện tích, bừa lồng được 45.300 ha đạt 62,9% kế hoạch diện tích gieo trồng.
Chăn nuôi và thú y: Dự ước tháng 01/2022, đàn trâu có 7.635 con, tăng 0,6% (+45 con); đàn bò 28.209 con, giảm 0,8% (-216 con) so với cùng kỳ năm trước.
Đàn lợn 642.462 con, tăng 0,2% (+962 con); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 01/2022 ước đạt 17.039 tấn, tăng 0,2% (+29 tấn) so với cùng kỳ năm 2021; trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 86 kg/con.
Đàn gia cầm 9.541 nghìn con, tăng 6,1% (+546 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước; trong đó đàn gà 6.956 nghìn con, tăng 5,9% (+386 nghìn con).
b. Lâm nghiệp
Sản lượng gỗ khai thác tháng 01/2022 ước đạt 358 m3, tăng 0,6% (+2 m3); sản lượng củi khai thác ước đạt 1.023 ste, tăng 1,3% (+13 ste) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ và lâm sản khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn, chủ yếu được khai thác từ diện tích cây phân tán.
c. Thuỷ sản
Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 01/2022 đạt 12.402 tấn, tăng 5,0% (+593 tấn) so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 8.344 tấn, tăng 6,4% (+501 tấn); khai thác 4.058 tấn, tăng 2,3% (+92 tấn).
2. Sản xuất công nghiệp, đầu tư và xây dựng
a. Sản xuất công nghiệp
Tháng Một, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương hoàn thành các đơn hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Do đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 tăng 4,56% so với tháng 12/2021 và tăng 9,71% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 ước tăng 4,56% so với tháng trước và tăng 9,71% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm công nghiệp: Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và xuất khẩu. Trong 29 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 18 nhóm tăng so với cùng kỳ năm trước, tiêu biểu như: Quần áo may sẵn tăng 9,3%; giày dép tăng 9,6%; phụ tùng xe đạp tăng 10,5%; sợi các loại tăng 10,5%; bao bì và túi bằng giấy tăng 8,6%;...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2022 giảm 3,42% so với tháng trước và giảm 3,19% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, có 13/20 ngành cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/01/2022 giảm 47,92% so với cùng thời điểm năm trước và giảm 12,71% so với tháng trước.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 giữ ổn định so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
b. Đầu tư và xây dựng
Hoạt động đầu tư và xây dựng trong tháng 01/2022 tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp và công trình thi công dở dang trong năm 2021. Đối với các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2022 ước đạt 7,6% kế hoạch năm và tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý được giaolà 4.860,6 tỷ đồng; trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 4.503,4 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện là 196,9 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp xã là 160,4 tỷ đồng.
Ước tính tháng 01/2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 371,8 tỷ đồng, đạt 7,6% kế hoạch năm, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 349,9 tỷ đồng, đạt 7,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 4,3 tỷ đồng, đạt 2,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 17,6 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch năm.
3. Thương mại, giá cả, dịch vụ
a. Tình hình nội thương
Tháng 01/2022 là thời điểm trước Tết Nguyên đán, các đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn hàng và đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2022 tăng khá 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 01/2022 ước đạt 5.046,5 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Thương nghiệp 4.478,9 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; lưu trú và ăn uống 282 tỷ đồng, giảm 0,4%; du lịch lữ hành 0,6 tỷ đồng, giảm 42,1%; dịch vụ khác 285 tỷ đồng, tăng 13,9%.
b. Xuất, nhập khẩu
Duy trì đà tăng trưởng của năm 2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các đơn hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 01 năm 2022 ước đạt 383,3 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu tháng 01 ước đạt 256,1 triệu USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu tháng 01 ước đạt 127,2 triệu USD, giảm 16,2% so với tháng trước và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
c. Giá cả
Tháng 01/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2017-2022.
Trong mức tăng 0,10% của CPI tháng 01/2022 so với tháng trước có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng; 02 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm; 02 nhóm giá ổn định.
Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng gồm: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhiều nhất 1,12% chủ yếu do giá các vật dụng, dịch vụ cưới hỏi và nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,73% do nhu cầu tiêu dùng của người dân và chi phí vận chuyển tăng; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,0% do thời tiết tiếp tục rét đậm và nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,74% theo nhu cầu của người dân; nhóm giao thông tăng 0,99% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu theo giá nhiên liệu thế giới; nhóm giáo dục tăng 0,11% chủ yếu do nguyên liệu đầu vào bột giấy tăng khiến sản phẩm từ giấy tăng 1,94%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26% do giá cây, hoa cảnh tăng 6,82%.
Ở chiều ngược lại, hai nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,28% do nguồn cung thực phẩm được bảo đảm, người dân không còn tâm lý mua gom tích trữ; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,41% chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm, bên cạnh đó giá gas, dầu hỏa giảm theo giá nhiên liệu thế giới.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông. Trong tháng, chỉ số giá vàng tăng 0,30% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,29% so với tháng trước.
d. Giao thông vận tải
Đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần của người dân, vận tải hành khách từng bước được khôi phục, vận tải hàng hóa duy trì ổn định.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01/2022 ước đạt 540,1 tỷ đồng, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải hành khách 89,3 tỷ đồng, giảm 14,1%; vận tải hàng hoá 434,3 tỷ đồng, tăng 10,8%; dịch vụ hỗ trợ vận tải 16,3 tỷ đồng, tăng 21,0%; bưu chính, chuyển phát 0,2 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Tháng 01 năm 2022, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định. Để chuẩn bị và tổ chức cho nhân dân đón Xuân Nhâm Dần năm 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm; đảm bảo cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết; hạn chế các tệ nạn xã hội; quan tâm, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chính sách với người có công: Trong tháng 12 năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định giải quyết chế độ chính sách cho 650 trường hợp, đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp xác minh thông tin căn cứ giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng chính sách ưu đãi người có công, đề nghị truy tặng danh hiệu 01 bà mẹ Việt Nam anh hùng và tặng thưởng Huân chương độc lập đối với 02 trường hợp; chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho hoạt động thăm và tặng quà các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Công tác giảm nghèo: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách nếu có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, năm 2021 doanh số cho vay đạt 1.151,7 tỷ đồng, bằng 106,8% năm trước, với 30.459 lượt khách hàng được vay vốn; trong đó, có 2.174 lượt học sinh, sinh viên nhận vốn kỳ tiếp theo. Dư nợ đến hết ngày 31/12/2021 đạt 3.437,4 tỷ đồng, tăng 223,8 tỷ đồng (6,97%) so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch dư nợ, với 97.379 khách hàng đang có dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tập trung ở các chương trình: Hộ mới thoát nghèo tăng 172,3 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 112,1 tỷ đồng; nhà ở xã hội tăng 34,7 tỷ đồng; giải quyết việc làm tăng 18,5 tỷ đồng
Công tác bảo trợ xã hội: Đón Tết Nhâm Dần năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh theo dõi, đôn đốc các địa phương tặng thiệp, quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh chúc thọ Người cao tuổi thọ 100 tuổi; các đối tượng người có công và thân nhân liệt sỹ nhân dịp Tết nguyên đán.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 51/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định hỗ trợ đối với hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 17/01/2022, trên địa bàn tỉnh trợ hỗ trợ cho 1.603.722 lượt người với tổng kinh phí hơn 448,2 tỷ đồng.
BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NAM ĐỊNH THÁNG 01 NĂM 2022 (download)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn