I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào thu hoạch cây vụ Đông và chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ Xuân. Chăn nuôi phát triển ổn định; tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Sản xuất lâm nghiệp tập trung vào các hoạt động hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ngành thủy sản đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
a. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Trong tháng, các địa phương tích cực chăm sóc, thu hoạch cây trồng vụ Đông; gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường dịp Tết đồng thời chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ Xuân.
Sản xuất cây trồng vụ Đông: Thời tiết năm nay nắng nhiều, mưa ít, cây trồng sinh trưởng tốt. Ngành Nông nghiệp chủ động hướng dẫn biện pháp chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch các cây rau, màu vụ Đông, đôn đốc các địa phương tập trung huy động lực lượng, phương tiện để lấy nước, làm đất. Tính đến ngày 20/01/2025, toàn tỉnh thu hoạch được 80% diện tích vụ Đông. Diện tích chưa thu hoạch chủ yếu là khoai tây và các cây rau màu ngắn ngày.
Chăn nuôi và thú y: Tại thời điểm cuối tháng 01/2025, đàn trâu có 6.991 con, giảm 11,1%; đàn bò có 24.014 con, giảm 14,3%; đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) có 480.240 con, giảm 14,7%; đàn gia cầm có 8.625 nghìn con, giảm 13,25% so với cùng thời điểm năm 2024.
b. Lâm nghiệp
Tháng 01 sản lượng gỗ khai thác ước đạt 372 m3, tăng 1,6%. Sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn tỉnh nhỏ và được sử dụng phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.
c. Thuỷ sản
Các cơ sở nuôi trồng và khai thác thủy sản tập trung đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu thực phẩm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Sản lượng thuỷ sản tháng 01/2025 ước đạt 13.830 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Sản lượng thuỷ sản khai thác biển ước đạt 4.262 tấn, tăng 2,5. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng 9.568 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
a. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Tháng Một năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực sản xuất những đơn hàng cuối trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. So với cùng kỳ năm 2024 (tháng trước Tết), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2025 tăng 29,49% với sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp mới; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 29,86%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2025 ước tăng 29,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 29,86%, đóng góp 29,18 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,82%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 27,26%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 44,31%, làm giảm 0,17 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 48,32%; dệt tăng 47,38%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 26,02%; sản xuất trang phục tăng 22,57%; sản xuất thiết bị điện tăng 18,34%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 10,70%; chế biến gỗ và sản xuất sản xuất từ gỗ, tre, nứa tăng 3,40%.
Sản phẩm công nghiệp: Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực tháng 01/2025 tăng so với năm trước: Vải các loại tăng 31,6%; giày, dép tăng 25,5%; quần áo may sẵn tăng 24,0%; sản phẩm in tăng 17,3%; dây cách điện tăng 16,2%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 8,7%; bánh kẹo các loại tăng 7,3%; gạo xay xát tăng 3,6%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 1,7%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2025 tăng 38,96% so với tháng trước và tăng 134,52% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 47,86%; sản xuất trang phục tăng 34,81%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 30,21%; sản xuất đồ uống tăng 4,94%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/01/2025 giảm 10,86% so với tháng trước và tăng 61,92% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 68,52%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 57,69%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 17,46%; sản xuất kim loại giảm 27,19%.
Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 6,49% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư và xây dựng
Hoạt động đầu tư trong tháng Một tập trung chủ yếu thực hiện việc triển khai kế hoạch vốn năm 2025, công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản ký ước đạt 4,9% so với kế hoạch năm; giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý: Năm 2025, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý được giao 12.141,6 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 11.624,6 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 334 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 183 tỷ đồng.
Tháng 01/2025, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 592 tỷ đồng, đạt 4,9% kế hoạch năm, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: cấp tỉnh 563 tỷ đồng, đạt 4,8%, giảm 10,0%; cấp huyện 18 tỷ đồng, đạt 5,4%, giảm 32,2%; cấp xã 11 tỷ đồng, đạt 6,2%, giảm 52,3%.
Trong tháng, Tỉnh tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các dự án: Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484); Xây dựng cầu qua sông Đào; Cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường cao tốc nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Bệnh viện đa khoa tỉnh;... Các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố. Trong đó:
Thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tháng 01/2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 03 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 2,3 triệu USD.
4. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
a. Hoạt động tài chính
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 01/2025 ước đạt 1.443 tỷ đồng, bằng 9,3% dự toán năm và tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 01 năm 2025 ước đạt 3.941 tỷ đồng, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 1.443 tỷ đồng, chiếm 36,6% tổng thu và tăng 44,8% so với cùng kỳ năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 2.490 tỷ đồng, chiếm 53,4% và bằng 63,4%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1.516 tỷ đồng, bằng 6,0% dự toán năm và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 420 tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng chi và bằng 60,4% so với cùng kỳ năm 2024; chi thường xuyên 1.096 tỷ đồng, chiếm 72,3% và tăng 26,5%.
b. Hoạt động ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tháng 01/2025 ước tăng 0,6% , tổng dư nợ tín dụng giảm 0,5% so với ngày cuối cùng của năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng 01/2025 ước đạt 131.970 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ và tăng 0,6% so với ngày cuối cùng của năm trước.
Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 124.007 tỷ đồng, tăng 20,0% so với cùng kỳ và giảm 0,5% so với ngày cuối cùng của năm trước.
c. Hoạt động bảo hiểm
Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, số người tham gia các loại hình bảo hiểm ước tính đến ngày 31/01/2025 tăng so với cùng thời điểm năm 2024: số người tham gia bảo hiểm xã hội 252.463 người, tăng 5,7%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 213.398 người, tăng 5,7%; số người tham gia bảo hiểm y tế 1.710.822 người, tăng 5,5%.
5. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng Một (227 doanh nghiệp) bằng 89,7% so cùng kỳ năm 2024 với tổng số lao động đăng ký 11.609 lao động tăng 369,8%.
6. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a. Tình hình nội thương
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Một – tháng Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra khá sôi động do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao. Các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01/2025 tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01/2025 ước đạt 7.798 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước - đây là tháng Một có quy mô cao nhất trong giai đoạn 2021-2025.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 6.960 tỷ đồng, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 449 tỷ đồng, tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 2 tỷ đồng và 3,1 nghìn lượt khách, tăng 34,1% doanh thu và tăng 15,5% lượt khách so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 387 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
b. Giá cả
Tháng 01/2025 là tháng Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng; giá dịch vụ y tế tăng theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2025 tăng 1,24% so với tháng trước và tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong mức tăng 1,24% của CPI tháng 01/2025 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng tăng giá và 01 nhóm giá ổn định.
c. Giao thông vận tải
Vận tải hành khách tháng Một tăng so với tháng trước khi nhu cầu đi lại của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán; vận tải hàng hóa giảm do vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết đã diễn ra trong tháng 12/2024. Hành khách vận chuyển tăng 3,5% và luân chuyển tăng 6,1% so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển giảm 6,3% và luân chuyển giảm 7,3%.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01/2025 ước đạt 833 tỷ đồng, giảm 9,9% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Vận tải hành khách tháng 01/2025 ước đạt 2.270 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 3,5% và luân chuyển 171 triệu lượt khách.km, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. .
Vận tải hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 4.760 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 6,3% và luân chuyển 1.063 triệu tấn.km, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị -xã hội triển khai kịp thời, đầy đủ chính sách an sinh xã hội phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thị trường hàng hóa phục vụ Tết phong phú, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ổn định.
Thực hiện chính sách với người có công và thân nhân người có công: Tết đến, Xuân về, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ, tri ân những người có công (NCC) với tổng số 120.569 suất quà, trị giá 58.154,9 triệu đồng.
Công tác bảo trợ xã hội: Việc chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội của tỉnh quan tâm thực hiện. Các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thực phù hợp ủng hộ tiền, gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời vận động các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Kết quả, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh đã đi thăm, tặng quà các đối tượng bảo trợ xã hội 177.496 suất quà, trị giá trên 39.515,15 triệu đồng.
Công tác giảm nghèo: Tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 3,29% (tổng số 21.230 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 0,95% (tổng số 6.131 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo 2,34% (tổng số 15.099 hộ cận nghèo).
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh năm 2024 doanh số cho vay hộ nghèo là 30.710 triệu đồng với 354 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 151.051 triệu đồng với 1.738 lượt khách hàng; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 277.749 triệu đồng với 3.163 lượt khách hàng; doanh số cho vay giải quyết việc làm 312.109,9 triệu đồng với 4.073 lượt khách hàng; doanh số cho vay đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 69.638,5 triệu đồng với 871 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 651.809 triệu đồng với 22.137 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội là 4.540 triệu đồng với 48 lượt khách hàng vay vốn.
Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng TK Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn