I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông nghiệp tháng Mười tập trung thu hoạch lúa Mùa và đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ Đông. Chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao sản lượng thuỷ sản và hiệu quả kinh tế.
Trồng trọt: Trong tháng, các địa phương tập trung thu hoạch diện tích lúa Mùa đã chín và đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ Đông.
Sản xuất vụ Mùa: Toàn tỉnh gieo trồng 79.575 ha lúa và cây rau màu các loại, giảm 0,5% so với vụ Mùa năm trước; gồm 70.761 ha lúa và 8.814 ha rau màu các loại.
Cây lúa gieo trồng 70.761 ha, giảm 0,6% so với vụ Mùa năm 2023. Diện tích giảm do một số nguyên nhân: Bỏ hoang 344 ha, chuyển sang đất phi nông nghiệp 364 ha, ảnh hưởng của mưa ngập 140 ha,... Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/10/2024, có 50.200 ha lúa Mùa được thu hoạch đạt 80% diện tích. Cây rau màu các loại đạt 8.814 ha, tăng 0,1% so với năm trước.
Sản xuất vụ Đông: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp, diện tích gieo trồng cây vụ Đông 6.850 ha, đạt 71% kế hoạch.
Chăn nuôi: Tại thời điểm cuối tháng 10/2024, đàn trâu có 7.635 con, tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò 28.585 con, tăng 0,8%; đàn lợn 587.806 con, tăng 2,1%; đàn gia cầm 10.165 nghìn con, tăng 5,1%, trong đó đàn gà 7.351 nghìn con, tăng 6,3%.
Mười tháng năm 2024, sản lượng trâu xuất chuồng đạt 809 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bò xuất chuồng 2.605 tấn, tăng 2,4%; sản lượng lợn xuất chuồng 123.939 tấn, tăng 3,4%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 33.301 tấn, tăng 8,5%; sản lượng trứng gia cầm 434.313 nghìn quả, tăng 6,3%.
Lâm nghiệp: Sản lượng gỗ khai thác 10 tháng năm 2024 ước đạt 3.692 m3, tăng 1,4%; sản lượng củi 11.132 ste, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản: Sản lượng thuỷ sản 10 tháng ước đạt 170.267 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng nuôi trồng 117.777 tấn và sản lượng khai thác 52.490 tấn.
Sản xuất giống thuỷ sản được mở rộng, số lượng con giống 10 tháng đạt 17.621 triệu con, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Sản xuất công nghiệp tháng 10/2024 duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tăng 2,28% so với tháng trước và tăng 14,49% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,71% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ năm 2019 đến nay; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,83%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2024 tăng 2,28% so với tháng trước và tăng 14,49% so với cùng kỳ năm 2023. So với tháng trước, ngành khai khoáng giảm 4,3%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,37%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,13%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 2,53%.
Mười tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,83%, đóng góp 14,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,94%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 21,25%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 32,03%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp cấp II trọng điểm của tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 25,89%; sản xuất trang phục tăng 18,50%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 17,88%; sản xuất kim loại tăng 16,25%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất thiết bị điện giảm 14,70%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 10,95%.
b. Sản phẩm công nghiệp
Một số sản phẩm 10 tháng năm 2024 có khối lượng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 22,17%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 19,40%; quần áo may sẵn tăng 18,29%; giày, dép tăng 17,63%; gạo xay xát tăng 12,96%; phụ tùng xe có động cơ tăng 9,22%; vải các loại tăng 8,40%.
c. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2024 ước tăng 1,95% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số này giảm 9,09% so với cùng kỳ năm trước; trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: sản xuất trang phục tăng 19,40%; sản xuất kim loại tăng 12,45%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 7,30%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 6,39%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/10/2024 tăng 46,79% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước: sản xuất xe có động cơ giảm 83,73%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 67,83%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 61,01%; sản xuất trang phục giảm 9,41%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 3,26%.
d. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 10/2024 tăng 0,30% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số này tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư và xây dựng
Tháng Mười, tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 10 tháng năm 2024 ước đạt 67,4% kế hoạch năm.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2024 ước thực hiện 805 tỷ đồng, giảm 22,0% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: cấp tỉnh 746 tỷ đồng, giảm 18,7%; cấp huyện 38 tỷ đồng, giảm 55,9%; cấp xã 21 tỷ đồng, giảm 25,9%.
Mười tháng năm 2024, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 6.099 tỷ đồng, đạt 67,4% kế hoạch năm và giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cấp tỉnh 5.644 tỷ đồng, đạt 66,7%, giảm 13,4%; cấp huyện 265 tỷ đồng, đạt 74,4%, giảm 59,6%; cấp xã 190 tỷ đồng, đạt 81,3%, giảm 6,1%.
Thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến ngày 25/10/2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 29 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 228,9 triệu USD, trong đó cấp mới cho 17 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 151,9 triệu USD.
4. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
a. Hoạt động tài chính
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2024 ước đạt 9.780 tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán năm, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 27.875 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9.780 tỷ đồng, chiếm 35,1% tổng thu và tăng 49,4% so với cùng kỳ năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 8.395 tỷ đồng, chiếm 30,1% và bằng 85,7%; thu chuyển nguồn 9.699 tỷ đồng, chiếm 34,8% và tăng 23,7%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 14.679 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 6.296 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng chi và giảm 6,0% so với cùng kỳ năm 2023; chi thường xuyên 8.400 tỷ đồng, chiếm 57,2% và tăng 24,9%.
b. Hoạt động ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tháng 10/2024 ước tăng 5,8%; tổng dư nợ tín dụng tăng 11,8% so với ngày cuối cùng của năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng 10/2024 ước đạt 127.820 tỷ đồng, tăng 5,8% so với ngày cuối cùng của năm trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023. Phân theo khách hàng: huy động từ dân cư 112.925 tỷ đồng, chiếm 88,3% tổng nguồn vốn huy động và tăng 6,3%; huy động từ các tổ chức kinh tế 14.895 tỷ đồng, chiếm 11,7% và tăng 2,0% so với ngày cuối cùng của năm trước.
Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 116.475 tỷ đồng, tăng 11,9% so với ngày cuối cùng của năm trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Phân theo kỳ hạn: cho vay ngắn hạn 88.796 tỷ đồng, chiếm 76,2% và tăng 14,7% so với ngày cuối cùng của năm trước; cho vay trung và dài hạn 27.679 tỷ đồng, chiếm 23,8% và tăng 3,8%.
c. Hoạt động bảo hiểm
Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, số người tham gia các loại hình bảo hiểm tính đến ngày 31/10/2024 tăng so với cùng thời điểm năm 2023: số người tham gia bảo hiểm xã hội 246.845 người, tăng 4,6%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 209.004 người, tăng 4,4%; số người tham gia bảo hiểm y tế 1.719.730 người, tăng 2,0%.
5. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Mười tháng năm 2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động (1.496 doanh nghiệp) lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (1.081 doanh nghiệp); số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mười tháng năm 2024, toàn tỉnh có 1.120 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 31.109 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 13.853 lao động, tăng 4,6% về số doanh nghiệp, gấp 3 lần về vốn đăng ký và giảm 27,6% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 28 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, có 376 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,2%. Số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng đạt 1.496 doanh nghiệp, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 150 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 950 doanh nghiệp, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước và 131 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,8%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng là 1.081 doanh nghiệp, tăng 55,3%. Bình quân một tháng có 108 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể.
6. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a. Tình hình nội thương
Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng Mười phát triển ổn định. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2024 tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2024 ước đạt 6.571 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2024 đạt 63.903 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 56.719 tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng mức và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 3.953 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 18 tỷ đồng và 27,8 nghìn lượt khách, tăng 25,5% doanh thu và tăng 14,3% lượt khách. Doanh thu dịch vụ khác 3.213 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác quản lý thị trường: Trong tháng 10/2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra 91 vụ, phát hiện 30 vụ vi phạm và xử lý 29 vụ với 42 hành vi vi phạm, trong đó: vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 01 hành vi; vi phạm trong lĩnh vực giá đầu cơ găm hàng 22 hành vi; vi phạm trong kinh doanh 02 hành vi; vi phạm về an toàn thực phẩm 01 hành vi và vi phạm khác 16 hành vi. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 148,5 triệu đồng.
b. Xuất, nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2024 ước đạt 427 triệu USD, tăng 32,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 26,9%. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.785 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 913 triệu USD.
Xuất khẩu hàng hóa: Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.349 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 24 triệu USD, giảm 28,5%; khu vực ngoài Nhà nước 658 triệu USD, tăng 19,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.667 triệu USD, tăng 12,5%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, da giày và lâm sản chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu hàng hóa: Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 1.436 triệu USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 19 triệu USD, giảm 31,1%; khu vực ngoài Nhà nước 349 triệu USD, tăng 16,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.068 triệu USD, tăng 28,2%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu may; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt chiếm 83,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
c. Giá
Giá gạo tăng; giá xăng, dầu tăng theo giá thế giới là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,55% của CPI tháng 10/2024 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng tăng giá; 01 nhóm hàng giảm giá và 03 nhóm giá ổn định.
(1) Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá gồm:
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống uống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong CPI tăng 1,47% so với tháng trước; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,06% ; nhóm giao thông tăng 0,53% do giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh tăng theo giá nhiên liệu thế giới; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16% do chi phí nhân công và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%.
(2) Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,33% nguyên nhân giá điện sinh hoạt giảm 2,76% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi thời tiết mát mẻ.
Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng tăng 19,47% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,02%. Trong 11 nhóm hàng hóa có 9 nhóm tăng, trong đó nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhiều nhất 10,06%; hai nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,42%) và nhóm giao thông giảm (0,05%).
d. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải tháng Mười đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tính chung 10 tháng năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 3,7% và luân chuyển tăng 3,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 16,6% và luân chuyển tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10/2024 ước đạt 846 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 7.411 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách tháng 10/2024 ước đạt 2.046 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 1,0% và luân chuyển 157 triệu lượt khách.km, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, vận tải hành khách ước đạt 19.994 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 3,7% và luân chuyển 1.518 triệu lượt khách.km, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa tháng 10/2024 ước đạt 5.090 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,7% và luân chuyển 1.116 triệu tấn.km, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 44.380 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 9.549 triệu tấn.km, tăng 16,7%.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh tháng Mười nhìn chung ổn định; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả. Các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân. Ngành Giáo dục tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 theo đúng kế hoạch. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao được duy trì. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thực hiện chính sách với người có công và thân nhân người có công: Trong tháng 10 năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công (NCC) đối với 780 NCC và thân nhân NCC; giới thiệu 18 trường hợp tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám giám định.
Trong tháng 10/2024, Trung tâm điều dưỡng tỉnh Nam Định đón 53 NCC đến điều dưỡng; tính đến 15/10/2024 tổ chức đón tiếp, điều dưỡng với tổng số là 416 NCC.
Công tác bảo trợ xã hội: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các đối tượng đang quản lý tại trung tâm.
Công tác giảm nghèo: Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, chín tháng năm 2024 doanh số cho vay hộ nghèo là 25.725 triệu đồng với 299 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 127.391 triệu đồng với 1.471 lượt khách hàng; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 229.108 triệu đồng với 2.628 lượt khách hàng; doanh số cho vay giải quyết việc làm 177.804,4 triệu đồng với 2.484 lượt khách hàng; doanh số cho vay đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 43.669 triệu đồng với 358 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 459.001triệu đồng với 18.197 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội là 13.675 triệu đồng với 27 lượt khách hàng vay vốn.
Giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tư vấn việc làm, học nghề cho 1.648 lượt lao động. Giới thiệu việc làm cho 678 lao động, Số người được hưởng TCTN là 773 người.
Y tế dự phòng: Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 9 tháng đầu năm 2024 một số dịch bệnh có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước: + Cúm 8.830 ca, tăng 732 ca; Tiêu chảy 3.834 ca, tăng 361 ca; Quai bị 26 ca, tăng 15 ca; Bệnh do virút Adeno 09 ca, giảm 311 ca; Thủy đậu 219 ca, gảm 02 ca. Các ca mắc được điều trị kịp thời và không để bùng phát dịch bệnh.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể.
Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng TK Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn