Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024

Thứ tư - 02/10/2024 06:03

Kinh tế thế giới 9 tháng năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến động chính trị, xung đột quân sự tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tăng trưởng kinh tế, đầu tư, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng rủi ro đối với an ninh hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế cơ bản. Các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó.

Trong nước, ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng trong tháng Chín đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và sản xuất, kinh doanh tại các địa phương miền Bắc; giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát; các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang được triển khai... Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết[1]. Các Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng; khắc phục nhanh thiệt hại cơn bão số 3, lũ lụt và sạt lở đất gây ra. Nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta 9 tháng năm 2024 duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn so với cùng kỳ năm trước trên nhiều lĩnh vực.

Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, ngay từ đầu năm, tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và các Nghị quyết của Tỉnh ủy - HĐND tỉnh. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 tỉnh Nam Định duy trì ổn định và có bước phát triển.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)

Kinh tế tỉnh Nam Định 9 tháng năm 2024 tăng trưởng 9,35% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò động lực tăng trưởng với mức đóng góp 5,90 điểm phần trăm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng năm 2024 ước tăng 9,35% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 0,63 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,97%, đóng góp 5,90 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,09%, đóng góp 2,56 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,21%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định. Sản xuất công nghiệp khởi sắc và duy trì đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 13,65%, đóng góp 4,22 điểm phần trăm. Các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công góp phần làm giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 14,86%, đóng góp 1,68 điểm phần trăm.

Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định 9 tháng năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 82.647 tỷ đồng, tăng 14,79% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,80%; khu vực công nghiệp và xây dựng 44,06%; khu vực dịch vụ 35,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,11% (Cơ cấu tương ứng 9 tháng năm 2023: 18,40%; 43,82%; 34,74%; 3,04%).

2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

a. Hoạt động tài chính

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2024 ước đạt 9.000 tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán năm, tăng 68,0% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 26.360 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9.000 tỷ đồng, chiếm 34,1% tổng thu và tăng 68,0% so với cùng kỳ năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 7.661 tỷ đồng, chiếm 29,1% và bằng 86,7%; thu chuyển nguồn 9.699 tỷ đồng, chiếm 36,8% và tăng 23,7%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 13.042 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán năm và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 5.663 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng chi và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2023; chi thường xuyên 7.378 tỷ đồng, chiếm 56,6% và tăng 22,1%.

b. Hoạt động ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tháng 9/2024 ước tăng 5,6%; tổng dư nợ tín dụng tăng 10,1% so với ngày cuối cùng của năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng 9/2024 ước đạt 127.581 tỷ đồng, tăng 5,6% so với ngày cuối cùng của năm trước và tăng 10,0% so với cùng kỳ năm 2023. Phân theo khách hàng: huy động từ dân cư 112.961 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng nguồn vốn huy động và tăng 6,4%; huy động từ các tổ chức kinh tế 14.620 tỷ đồng, chiếm 11,5% và tăng 0,1% so với ngày cuối cùng của năm trước.

Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 114.613 tỷ đồng, tăng 10,1% so với ngày cuối cùng của năm trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023. Phân theo kỳ hạn: cho vay ngắn hạn 87.310 tỷ đồng, chiếm 76,2% và tăng 12,8% so với ngày cuối cùng của năm trước; cho vay trung và dài hạn 27.311 tỷ đồng, chiếm 23,8% và tăng 2,4% . Phân theo loại khách hàng vay: hộ gia đình, cá nhân 80.980 tỷ đồng, chiếm 70,7% và tăng 10,6%; doanh nghiệp, hợp tác xã 33.633 tỷ đồng, chiếm 29,3% và tăng 9,0%.

c. Hoạt động bảo hiểm

Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, số người tham gia các loại hình bảo hiểm thời điểm 30/9/2024 tăng so với cùng thời điểm năm 2023: số người tham gia bảo hiểm xã hội 245.425 người, tăng 4,1%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 207.869 người, tăng 3,9%; số người tham gia bảo hiểm y tế 1.719.118 người, tăng 0,7%.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, xây dựng nông thôn mới

Sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân đạt khá, vụ Mùa gặp khó khăn do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ngành thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản lượng và hiệu quả kinh tế được nâng lên. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.

a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Vụ Mùa năm 2024 toàn tỉnh gieo trồng 79.575 ha lúa và cây rau màu các loại, giảm 0,5% so với vụ Mùa năm trước; gồm 70.761 ha lúa và 8.814 ha rau màu các loại.

Cây lúa gieo trồng 70.761 ha lúa, giảm 0,6% so với vụ Mùa năm 2023. Diện tích giảm do một số nguyên nhân: Bỏ hoang 344 ha, chuyển sang đất phi nông nghiệp 364 ha, ảnh hưởng của mưa ngập 140 ha,... Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 25/9/2024 có 44.700 ha lúa Mùa đã trỗ bông, đạt 63% diện tích.

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão làm diện tích lúa Mùa bị ngập 27.085 ha (chiếm 38% diện tích), trong đó: 8.132 ha lúa bị thiệt hại trên 70%; 11.367 ha bị thiệt hại từ 30%-70%; ước giá trị thiệt hại 435,2 tỷ đồng. Những huyện bị thiệt hại nặng nhất là thành phố Nam Định, huyện Ý Yên, huyện Nam Trực, huyện Trực Ninh.

Chăn nuôi và thú y: Thời điểm cuối tháng 9/2024, đàn trâu có 7.648 con, tăng 0,6%; đàn bò 28.164 con, giảm 0,2%; đàn lợn 589.565 con, tăng 1,0% so với cùng thời điểm năm trước. Đàn gia cầm 9.795 nghìn con, tăng 2,5%, trong đó đàn gà 6.982 nghìn con, tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm trước.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 153.628 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 113.614 tấn, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 30.054 tấn, tăng 7,9%. Sản lượng trứng gia cầm 393.564 nghìn quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

* Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão: Số gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi là 42.118 con, trong đó 840 con gia súc và 41.278 con gia cầm. Ước giá trị thiệt hại 7.345 triệu đồng; trong đó thiệt hại về gia súc, gia cầm là 6.761 triệu đồng; thiệt hại chuồng trại, cơ sở vật chất là 305 triệu đồng, thiệt hại khác 279 triệu đồng.

b. Lâm nghiệp

Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng năm 2024 ước đạt 3.184 m3, tăng 1,4%; sản lượng củi khai thác 9.937 ste, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

c. Thuỷ sản

Sản xuất thuỷ sản của tỉnh 9 tháng năm 2024 phát triển ổn định. Các cơ sở nuôi trồng, khai thác thuỷ sản tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao sản lượng thuỷ sản và hiệu quả kinh tế. Sản lượng thuỷ sản 9 tháng năm 2024 đạt 150.744 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng nuôi trồng 103.345 tấn và sản lượng khai thác 47.399 tấn.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 103.345 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: sản lượng cá 53.147 tấn, tăng 4,5%; tôm 5.361 tấn, tăng 0,9%; thủy sản khác 44.837 tấn, tăng 5,6%.

Sản lượng thủy sản khai thác đạt 47.399 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng khai thác biển 45.245 tấn, tăng 1,9%; sản lượng khai thác nội địa 2.154 tấn, tăng 1,3%.

Sản xuất giống thuỷ sản được mở rộng, số lượng con giống 9 tháng đạt 17.524 triệu con, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

*Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão: Ước giá trị thiệt hại khoảng 135.667 triệu đồng, bao gồm diện tích nuôi cá truyền thống ở ao hồ nhỏ 1.121 ha (652 ha thiệt hại trên 70%); diện tích nuôi cá - lúa, nuôi hồ mặt nước lớn 162 ha (103 ha thiệt hại trên 70%); diện tích nuôi tôm 111 ha (16 ha thiệt hại trên 70%); diện tích nuôi ngao và lồng, bè nuôi thủy hải sản các loại 70 ha (4 ha thiệt hại trên 70%).

d. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM)

Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao và 21,3% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023, là huyện đầu tiên của tỉnh và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao. Phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thực sự đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định.

4. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, các doanh nghiệp chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đơn hàng trong dài hạn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 14,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,62%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2024 giảm 1,77% so với tháng trước  tăng 14,74% so với cùng kỳ năm 2023. So với tháng trước, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 12,66%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,86%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,11%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,20%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tăng 14,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,62%, đóng góp 14,21 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,10%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 22,08%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 29,67%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.

Khối lượng sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khá, nhất là các sản phẩm chủ lực như: trang phục, giày dép, sản phẩm mây tre đan các loại. Một số sản phẩm công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 21,25%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 19,86%; giày, dép tăng 19,07%; quần áo may sẵn tăng 18,65%; gạo xay xát tăng 14,34%. Ngược lại, một số sản phẩm có khối lượng giảm như: muối biển giảm 20,99%; bia hơi giảm 16,91%; sợi các loại giảm 8,56%.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2024 giảm 0,49% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số này giảm 9,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 32,33%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 29,27%; sản xuất trang phục tăng 19,04%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 6,13%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 47,16% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 88,47%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 70,84%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 19,96%; sản xuất trang phục giảm 16,58%.

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 9/2024 tăng 0,54% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số này tăng 3,20% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, loại hình doanh nghiệp nhà nước giảm 13,87%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,01% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,98%.

5. Đầu tư và xây dựng

Công tác thu hút, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực; nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, khảo sát và đầu tư vào tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; các công trình trọng điểm tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ cùng với tín hiệu tích cực của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hộ dân cư giúp cho hoạt động đầu tư, xây dựng đạt mức tăng khá. Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành tăng 15,1%; giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

a. Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 9 tháng năm 2024 ước đạt 42.131 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn Nhà nước 9.002 tỷ đồng, chiếm 21,4% và tăng 3,1%; vốn ngoài Nhà nước 29.166 tỷ đồng, chiếm 69,2%tăng 13,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.963 tỷ đồng, chiếm 9,4% và tăng 83,6%.

Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 5.299 tỷ đồng, đạt 58,6% kế hoạch năm và giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: cấp tỉnh 4.904 tỷ đồng, giảm 12,5%; cấp huyện 226 tỷ đồng và giảm 60,2%; cấp xã 169 tỷ đồng, đạt 72,3% và giảm 3,0%.

Trong tháng, tỉnh tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484); Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Bệnh viện đa khoa tỉnh,... Các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố. Đôn đốc, đảm bảo tiến độ các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường cao tốc nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình, dự án đầu tư xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).

Thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, đến ngày 25/9/2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 57 dự án (bao gồm 28 dự án đầu tư trong nước và 29 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 7.091,7 tỷ đồng và 228,9 triệu USD[2]. Trong đó, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty Cổ phần Giấy GĐT với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng (tương đương trên 100 triệu USD) tại KCN Bảo Minh mở rộng; Dự án nhà máy may XIELONG Việt Nam với tổng mức đầu tư 40 triệu USD tại KCN dệt may Rạng Đông...

b. Xây dựng

Xu hướng sản xuất ngành xây dựng: Kết quả khảo sát tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Nam Định trong quý III/2024 cho thấy: 77,9% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định; 22,1% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2024, hoạt động sản xuất các doanh nghiệp xây dựng tốt hơn quý III/2024 với 87,0% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định; 13,0% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Các công trình trọng điểm của Nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công: Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (2022-2027) có tổng mức đầu tư 5.995 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cầu Bến Mới (2022-2024) có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (2022-2025) với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (2023-2024) tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng; Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (2023-2024) tổng mức đầu tư khoảng trên 22.000 tỷ đồng với chiều dài đi qua tỉnh Nam Định trên 55km và 145 vị trí chân cột;…

Dự án của khu vực ngoài nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng xúc tiến thu hút đầu tư: KCN dệt may Rạng Đông huyện Nghĩa Hưng; KCN Mỹ Thuận thành phố Nam Định; KCN Bảo Minh mở rộng; CCN Yên Bằng huyện Ý Yên; CNN Thanh Côi huyện Vụ Bản; CCN Giao Thiện huyện Giao Thủy… Dự án Nhà máy Xuân Trường II Công ty cổ phần may Sông Hồng; cơ sở sản xuất dệt may Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam, các dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất cho thuê tại các khu, cụm công nghiệp,… tiếp tục được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó,  Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định nằm trong tổ hợp 3 dự án thép xanh 98.900 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực bãi bồi ven biển Cồn Xanh bắt đầu thi công san lấp mặt bằng ngay sau khi được nhà nước bàn giao mặt bằng.

Dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Nhà máy sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính Tập đoàn Quanta Computer Inc; Nhà máy dệt nhuộm KCN Rạng Đông Công ty TNHH Top Textiles; Nhà máy dây cáp kết nối truyền tín hiệu Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử MSL Việt Nam; Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm Melamine Công ty TNHH Jiawei Lifestyle Việt Nam; Xây dựng nhà máy Công ty TNHH Jaan - E; Xây dựng nhà máy may quần áo Công ty TNHH Nice Power; Nhà máy sản xuất bộ nguồn Công ty TNHH P-DUKE Technology; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Công ty cổ phần Farmland Vina; Nhà máy Quang điện Top OptoElectronics Việt Nam; Dự án Yi Da Demin Mill (VN) Co.,Ltd…

6. Hoạt động của doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký kinh doanh

 Tình hình đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động (1.357 doanh nghiệp) lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (997 doanh nghiệp); số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: hoạt động SXKD quý III/2024 khởi sắc hơn so với quý II/2024 với 78,01% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định; 21,99% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2024 khả quan hơn quý III/2024 với 90,78% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định; 9,22% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: trong quý III/2024, có 54,61% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên; 23,40% số doanh nghiệp SXKD giữ ổn định và 21,99% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn so với quý II/2024. Dự báo qIV/2024, có 54,61% số doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên; 36,17% giữ ổn định và 9,22% khó khăn hơn so với quý III/2024, trong đó: khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 92,24% doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định so với quý III/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 88,89% và 71,43%.

7. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Hoạt động thương mại tháng Chín diễn ra khá sôi động do có kỳ nghỉ lễ 2/9, học sinh bước vào năm học mới 2024-2025; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 20,8%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 24,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9/2024 ước đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: bán lẻ hàng hóa 5.692 tỷ đồng, tăng 2,3%; lưu trú và ăn uống 412 tỷ đồng, tăng 1,2%; du lịch lữ hành 2 tỷ đồng, tăng 1,2%; dịch vụ khác 332 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2024 đạt 57.324 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với 9 tháng năm 2020 - năm xảy ra dịch Covid-19 và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất, nhập khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với các đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 ước đạt 3.455 triệu USD, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 16,8%; nhập khẩu tăng 22,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2024 xuất siêu 893 triệu USD.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.174 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 22 triệu USD, giảm 31,7%; khu vực ngoài Nhà nước 613 triệu USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.539 triệu USD, tăng 15,6%. Mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng may mặc, da giầy và lâm sản chiếm 92,0% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu hàng hóa: Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 1.281 triệu USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 18 triệu USD, giảm 29,2%; khu vực ngoài Nhà nước 308 triệu USD, tăng 14,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 955 triệu USD, tăng 27,6%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu may; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt chiếm 83,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

c. Giá

Giá lương thực, thực phẩm tăng; giá gas tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 4,01% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,57% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng tăng giá; 01 nhóm hàng giảm giá và 03 nhóm giá ổn định.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống uống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong CPI tăng nhiều nhất 1,72% so với tháng trước, trong đó: lương thực tăng 1,11%; thực phẩm tăng 2,30%; ăn, uống ngoài gia đình tăng 0,09%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,73% chủ yếu ở mặt hàng cây, hoa cảnh tăng 10,52% do mưa lớn, gió giật mạnh từ cơn bão số 3 gây thiệt hại nhiều về cây xanh và hoa màu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đồ chơi trẻ em tăng 1,13%; phí truyền hình và internet tăng 0,79%. Ở chiều ngược lại, giá thiết bị văn hóa giảm 0,10% do giá tivi màu giảm 0,11%.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,50% do các nguyên nhân sau: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,24%; giá nước sinh hoạt tăng 0,31%; giá điện sinh hoạt tăng 1,21% do nhu cầu tiêu thụ tăng; giá gas tăng 2,41%, nguyên nhân từ ngày 01/9/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 7.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới bình quân tháng 9 tăng 20 USD/tấn (từ mức 580 USD /tấn lên mức 600 USD/tấn). Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 7,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá làm giá dầu hỏa giảm 1.378 đồng/lít.

Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng tăng 19,26% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,39%. Trong 11 nhóm hàng hóa có 10 nhóm tăng, trong đó nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhiều nhất 10,01%; một nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,46%).

d. Giao thông vận tải                                  

Hoạt động vận tải 9 tháng năm 2024 đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vận chuyển hành khách tăng 4,4% và luân chuyển tăng 4,3%; vận chuyển hàng hóa tăng 16,5% và luân chuyển tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Chín tháng năm 2024, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả. Tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân được thực hiện tốt. Ngành Giáo dục duy trì thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023-2024 và Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 theo đúng kế hoạch. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

1. Đời sống dân cư

Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 78,0 tỷ đồng[3].

Thực hiện chính sách với người có công và thân nhân người có công (NCC): Chín tháng năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ chính sách cho 18.070 lượt người có công, thân nhân NCC và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực NCC. Giới thiệu 131 trường hợp tới Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh để giám định; Đề nghị cấp lại 51 bằng “Tổ quốc ghi công”; Đề nghị tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 01 trường hợp.

Công tác bảo trợ xã hội: Chín tháng năm 2024, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trên 248 đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Tiếp nhận 08 đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm. Quản lý, thực hiện tốt các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các diện đối tượng đang quản lý tại Trung tâm.

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, tối 13/9/2024 (tức 11/8 âm lịch), tại Trung tâm Văn hóa, thể thao, thanh thiếu niên tỉnh, Sở LĐ - TB và XH tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Lồng đèn thắp sáng ước mơ” cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao tặng 238 suất quà cho các cháu thiếu nhi của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định và các cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Nam Định.

Công tác giảm nghèo: Giảm nghèo bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) năm 2023 là 3,85%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo 1,09% và hộ cận nghèo 2,76%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, 8 tháng năm 2024, doanh số cho vay hộ nghèo là 23.435 triệu đồng với 273 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 120.326 triệu đồng với 1.389 lượt khách hàng; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 212.368 triệu đồng với 2.446 lượt khách hàng; doanh số cho vay giải quyết việc làm 171.624 triệu đồng với 2.381 lượt khách hàng; doanh số cho vay đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 34.286,5 triệu đồng với 265 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 299.421 triệu đồng với 14.973 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội là 13.1175 triệu đồng.

Giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 9 tháng năm 2024 giải quyết việc làm mới cho khoảng 26.250 lượt người (đạt 78,83% kế hoạch), trong đó Xuất khẩu lao động 3.200 người (đạt 228,57% kế hoạch). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 78,2%.

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh: Tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm; 19.338 người lao động được tư vấn việc làm, học nghề; 6.663 người được giới thiệu việc làm; 3.974 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp; 1.634 người được giới thiệu việc làm ngoài nước.

2. Y tế

Y tế dự phòng: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, cúm A, cúm B, bệnh tay chân miệng cho trẻ em,… không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn. Triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tmột số dịch bệnh có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước: Cúm 8.316 ca, tăng 1.307 ca; Lỵ amip 13 ca, giảm 07 ca; Lỵ trực trùng 15 ca, tăng 07 ca; Tay chân miệng 509 ca, tăng 201 ca; Quai bị 14 ca, tăng 03 ca; Sốt xuất huyết Dengue 133 ca, giảm 42 ca. Các ca mắc được điều trị kịp thời, không để xảy ra trường hợp tử vong và không để bùng phát dịch bệnh.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Các cấp, các ngành quan tâm thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tính từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể.

3. Giáo dục

Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023-2024 tại các cấp học, ngành học theo đúng kế hoạch. Chất lượng giáo dục tiếp tục được củng cố, duy trì vững chắc: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh Nam Định đứng thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ thí sinh đạt giải với 84 học sinh đạt giải trên tổng số 95 học sinh tham gia (đạt 88,42%) và xếp thứ 5 cả nước về số giải Nhất[4]. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Nam Định xếp thứ 2 toàn quốc về điểm trung bình với 7,369 điểm; 9/9 môn thi có điểm trung bình trong tốp 10 toàn quốc. Tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học mới đảm bảo an toàn, đúng quy chế.

Sáng  ngày 05/9/2024, cùng với cả nước, hơn 457 nghìn học sinh và hơn 26 nghìn cán bộ, giáo viên và nhân viên của 740 trường học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT), 11 Trung tâm GDTX trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Lễ Khai giảng năm học 2024-2025 tại các trường học trên địa bàn tỉnh được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, mang tính giáo dục, tạo tâm lý phấn khởi, hào hứng cho học sinh trước năm học mới đảm bảo đầy đủ nội dung, ý nghĩa với chủ đề năm học “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, toàn ngành quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, góp phần giữ vững vị trí 30 năm đứng trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo.

Quy mô mạng lưới trường lớp: Năm học 2024-2025, tỉnh Nam Định có  740 trường học[5] và 11 Trung tâm GDTX và 01 Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 13 nghìn phòng học, trong đó có hàng trăm phòng học được tu sửa, nhiều cổng trường, sân trường được đầu tư xây dựng mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 677 trường đạt chuẩn quốc gia[6]; 622 trường được công nhận đạt chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn và 570 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.

Quy mô học sinh: Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, bậc Mầm non có 98,4 nghìn cháu; bậc Tiểu học 161,9 nghìn em; bậc THCS 129,3 nghìn em và bậc THPT 67,5 nghìn em.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý: Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có khoảng 23,6 nghìn cán bộ và giáo viên[7]. Trình độ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng cao, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Kết quả công tác phổ cập giáo dục: Tính đến hết tháng 8/2024, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi. Chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học được củng cố vững chắc, các chỉ tiêu phổ cập đều đạt cao.

Hoạt động khác: Ngày 24/9/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND về tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024, với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Tuần lễ được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 7/10/2024, trong đó Lễ khai mạc được tổ chức vào sáng 1/10 tại Nhà văn hóa xã Yên Dương (Ý Yên).



[1] Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.

[2] Trong đó: Cấp mới cho 30 dự án đầu tư (13 dự án đầu tư trong nước và 17 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 5.779 tỷ đồng và 151,8 triệu USD); Điều chỉnh tăng vốn 27 dự án đầu tư (15 dự án đầu tư trong nước và 12 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1.312,7 tỷ đồng và 77,1 triệu USD).

[3] Trong đó, quà của Chủ tịch nước tặng người có công và người cao tuổi với số tiền trên 29,7 tỷ đồng; quà từ ngân sách tỉnh, huyện, xã 48,3 tỷ đồng.

[4] Bao gồm 08 giải Nhất (02 Toán, 01 Vật lý, 01 Ngữ văn, 01 Lịch sử, 01 Địa lý, 01 Tiếng Anh, 01 Tiếng Pháp), 29 giải Nhì, 23 giải Ba và 24 giải Khuyến khích.

[5] Gồm: 230 trường Mầm non, 227 trường Tiểu học, 226 trường THCS, 57 trường THPT.

[6] Trong đó: Mầm non có 196 trường; cấp Tiểu học có 218 trường; cấp THCS có 221 trường; cấp THPT có 42 trường

[7] Trong đó: Cán bộ quản lý 1,8 nghìn người, giáo viên 21,8 nghìn người (Bậc Mầm non có 6,4 nghìn giáo viên, bậc Tiểu học 6,7 nghìn giáo viên, bậc THCS 5,7 nghìn giáo viên và bậc THPT 3,0 nghìn giáo viên).

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - phòng TK Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây