Kinh tế thế giới sáu tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột quân sự giữa Nga - U-crai-na kéo dài, căng thẳng trên Biển Đỏ, dải Gaza leo thang; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu có xu hướng phục hồi nhưng chậm; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp... đã làm gia tăng rủi ro đối với an ninh hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường vàng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế cơ bản. Các tổ chức quốc tế nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó[1].
Trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Do vậy, kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và các Nghị quyết của Tỉnh ủy - HĐND tỉnh. Do đó, kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định 6 tháng đầu năm 2024 duy trì ổn định và có bước phát triển.
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)
Kinh tế tỉnh Nam Định 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 8,56% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng[2] và 11/63 cả nước; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò động lực tăng trưởng với mức đóng góp 5,11 điểm phần trăm.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 29.157 tỷ đồng, tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,48%, đóng góp 0,75 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,68%, đóng góp 5,11 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,91%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,55%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất các loại cây trồng chủ yếu tăng khá, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,30%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định. Sản xuất công nghiệp khởi sắc và duy trì đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 12,37%, đóng góp 3,64 điểm phần trăm. Các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công góp phần làm giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 13,53%, đóng góp 1,47 điểm phần trăm.
Các hoạt động thương mại diễn ra sôi động hơn, chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa được đẩy mạnh góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: ngành bán buôn và bán lẻ tăng 9,64%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 10,67%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,68%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng tăng 6,93%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.
Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 53.868 tỷ đồng, tăng 13,83% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,41%; khu vực công nghiệp và xây dựng 42,11%; khu vực dịch vụ 34,42%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,06% (Cơ cấu tương ứng 6 tháng năm 2023: 20,82%; 42,01%; 34,46%; 2,71%).
2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
a. Hoạt động tài chính
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.270 tỷ đồng, bằng 43,8% dự toán năm và tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 20.387 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5.270 tỷ đồng, chiếm 25,9% tổng thu và tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 5.418 tỷ đồng, chiếm 26,5% và giảm 21,7%; thu chuyển nguồn 9.699 tỷ đồng, chiếm 47,6% và tăng 23,7%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 8.889 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 4.176 tỷ đồng, chiếm 47,0% tổng chi và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; chi thường xuyên 4.712 tỷ đồng, chiếm 53,0% và tăng 19,8%.
b. Hoạt động ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,5%; tổng dư nợ tín dụng tăng 5,2% so với ngày cuối cùng của năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt, an toàn, hiệu quả; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
c. Hoạt động bảo hiểm
Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 93,89% dân số.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, xây dựng nông thôn mới
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Năng suất các loại cây trồng chủ yếu vụ Đông Xuân tăng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát. Hoạt động lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ngành thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản lượng và hiệu quả kinh tế được nâng lên. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
a. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2024 đạt 91.515 ha lúa và cây rau màu các loại, giảm 0,4% so với vụ Đông Xuân năm 2023; gồm 70.256 ha lúa và 21.259 ha cây rau màu các loại. Trong đó, vụ Đông gieo trồng 9.538 ha, giảm 0,7% và vụ Xuân 81.977 ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cây lúa: Diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân đạt 70.256 ha, giảm 0,2% so với năm trước, trong đó tỷ lệ gieo xạ 62,5%. Các huyện tiến hành chuyển đổi giống cây trồng, ưu tiên những giống lúa có năng suất, chất lượng ổn định, có khả năng chống chịu sâu bệnh như: Bắc Thơm số 7, BC15, ST25, …
Thời tiết vụ Xuân năm nay tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Hiện nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa vụ Xuân năm 2024. Năng suất lúa ước đạt 69,55 tạ/ha, tăng 0,04 tạ/ha; sản lượng lúa ước đạt 488.607 tấn, giảm 0,1% so với vụ Xuân năm trước.
Cây rau màu các loại: Toàn tỉnh gieo trồng 21.259 ha, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngô 1.932 ha, tăng 0,4%; cây lấy củ có chất bột 2.387 ha, giảm 1,8%; cây có hạt chứa dầu 4.163 ha, giảm 1,9%; rau các loại 10.203 ha, giảm 0,6%; đậu các loại 498 ha, giảm 12,9%,… Thời tiết tương đối thuận lợi nên rau màu các loại sinh trưởng và phát triển tốt.
Chăn nuôi và thú y: Thời điểm cuối tháng 6/2024, đàn trâu có 7.625 con, tăng 0,1%; đàn bò 28.620 con, giảm 0,2%; đàn lợn 631.868 con, tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước. Đàn gia cầm 9.390 nghìn con, tăng 2,3%, trong đó đàn gà 6.686 nghìn con, tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 111.034 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 84.057 tấn, tăng 2,7%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 20.119 tấn, tăng 7,9%. Sản lượng trứng gia cầm 267.371 nghìn quả, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
b. Lâm nghiệp
Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng năm 2024 ước đạt 2.342 m3, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi 6.125 ste, tăng 1,7%.
c. Thuỷ sản
Các cơ sở nuôi trồng, khai thác thuỷ sản tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao sản lượng thuỷ sản và hiệu quả kinh tế. Sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 97.241 tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng nuôi trồng 64.763 tấn và sản lượng khai thác 32.478 tấn.
d. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM)
Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 96,6%); 34/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 18.
4. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực từ cuối năm 2023, các doanh nghiệp chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đơn hàng trong dài hạn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,45%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2024 tăng 2,50% so với tháng trước và tăng 12,79% so với cùng kỳ năm 2023. So với tháng trước, ngành khai khoáng tăng 18,42%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,54%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,48%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,31%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 14,45%, đóng góp 14,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,38%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,51%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 18,32%, làm giảm 0,06 điểm phần trăm.
Một số sản phẩm công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: vải các loại tăng 3,36%; quần áo may sẵn tăng 24,45%; giày dép tăng 32,27%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 19,57%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 14,82%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 10,43%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 này giảm 3,19% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: dệt tăng 16,44%; sản xuất trang phục tăng 18,66%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 giảm 6,52% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 61,81%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 65,44%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 11,45%.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước.
5. Đầu tư và xây dựng
Công tác thu hút, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực; nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, khảo sát và đầu tư vào tỉnh; số dự án đầu tư gấp 3,4 lần và số vốn đăng ký gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; các công trình trọng điểm tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ cùng với tín hiệu tích cực của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hộ dân cư giúp cho hoạt động xây dựng đạt mức tăng khá.
a. Đầu tư
Vốn đầu tư trên địa bàn: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 25.925 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn Nhà nước 5.466 tỷ đồng, chiếm 21,1% và tăng 9,0%; vốn ngoài Nhà nước 18.387 tỷ đồng, chiếm 70,9% và tăng 13,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.072 tỷ đồng, chiếm 8,0% và tăng 67,0%.
Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 3.405 tỷ đồng, đạt 37,6% kế hoạch năm và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: cấp tỉnh 3.166 tỷ đồng, đạt 37,4% và tăng 2,4%; cấp huyện 129 tỷ đồng, đạt 36,2% và giảm 59,4%; cấp xã 110 tỷ đồng, đạt 47,1% và tăng 0,6%.
Tỉnh tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484); Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình; Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Khu Trung tâm lễ hội thuộc di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện đa khoa tỉnh,... Các dự án xây dựng hạ tầng khu khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố.
Thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến ngày 20/6/2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 39 dự án (bao gồm 20 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 5.572,8 tỷ đồng và 148,9 triệu USD. Số dự án đầu tư gấp 3,4 lần và số vốn đăng ký gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty Cổ phần Giấy GĐT với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng (tương đương trên 100 triệu USD) tại KCN Bảo Minh mở rộng; Dự án nhà máy may XIELONG Việt Nam với tổng mức đầu tư 40 triệu USD tại KCN dệt may Rạng Đông,…
b. Xây dựng
Các công trình trọng điểm của Nhà nước, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và dự án xây dựng nhà máy sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được triển khai nhanh cùng với nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở khu vực hộ dân cư gia tăng góp phần tích cực vào tăng trưởng ngành xây dựng của tỉnh. Giá trị sản xuất ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 theo giá so sánh 2010 tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các công trình trọng điểm của Nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công: Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (2022-2027) có tổng mức đầu tư 5.995 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cầu Bến Mới (2022-2024) có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (2022-2025) tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (2023-2024) tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng; Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (2023-2024) tổng mức đầu tư khoảng trên 22.000 tỷ đồng với chiều dài đi qua tỉnh Nam Định trên 55km và 145 vị trí chân cột;…
Khu vực ngoài Nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng xúc tiến, thu hút đầu tư: KCN dệt may Rạng Đông huyện Nghĩa Hưng; KCN Mỹ Thuận huyện Mỹ Lộc; KCN Bảo Minh mở rộng; CCN Yên Bằng huyện Ý Yên; CNN Thanh Côi huyện Vụ Bản; CCN Giao Thiện huyện Giao Thủy…. Bên cạnh đó, Dự án Nhà máy Xuân Trường II Công ty cổ phần may Sông Hồng; cơ sở sản xuất dệt may Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam; cơ cở sản xuất giày Công ty cổ phần XD Minh Tiến,… tiếp tục được thi công xây dựng.
Dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Nhà máy sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi Tập đoàn Quanta Computer Inc; Nhà máy dệt nhuộm Công ty TNHH Top Textiles tại KCN Rạng Đông; Nhà máy dây cáp kết nối truyền tín hiệu Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử MSL Việt Nam; Phân xưởng 2 nhà máy sản xuất giày da Công Ty TNHH Golden Victory Việt Nam; Dự án sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm Melamine Công ty TNHH Jiawei Lifestyle Việt Nam; Dự án điện năng lượng mặt trời (giai đoạn 1) Công ty cổ phần Dệt Nhuộm Sunrise; Xây dựng nhà máy Công ty TNHH Jaan - E; Nhà máy sản xuất nhôm Công ty TNHH nhôm Nam Sung Việt Nam; Nhà máy may quần áo Công ty TNHH Nice Power; Nhà xưởng sản xuất đế và lót giầy thể thao Công ty TNHH đồ dùng thể thao Victory VN,…
6. Hoạt động của doanh nghiệp
a. Tình hình đăng ký kinh doanh
Sáu tháng đầu năm 2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động (979 doanh nghiệp) lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (806 doanh nghiệp); số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: hoạt động SXKD quý II/2024 khởi sắc hơn so với quý I/2024 với 87,05% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định; 12,95% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý III/2024 khả quan hơn quý II/2024 với 88,49% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định; 11,51% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: trong quý II/2024, có 61,87% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên; 25,18% số doanh nghiệp SXKD giữ ổn định và 12,95% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn so với quý I/2024. Dự báo quý III/2024, có 51,08% số doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên; 37,41% giữ ổn định và 11,51% khó khăn hơn so với quý II/2024, trong đó: khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 100% doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định so với quý II/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 88,24% và 87,83%.
7. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a. Tình hình nội thương
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, đa dạng các hình thức khuyến mại, lượng cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 6/2024 ước đạt 6.606 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: bán lẻ hàng hóa 5.878 tỷ đồng, tăng 2,1%; lưu trú và ăn uống 399 tỷ đồng, tăng 0,4%; du lịch lữ hành 2 tỷ đồng, tăng 3,0%; dịch vụ khác 327 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước.
Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng năm 2024 có quy mô cao nhất trong giai đoạn 2020-2024 và gấp 1,7 lần so với 6 tháng đầu năm 2020 - năm xảy ra dịch Covid-19.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng năm 2024 đạt 37.990 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
b. Xuất, nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 457 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2.196 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 13,8%; nhập khẩu tăng 23,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 xuất siêu 534 triệu USD.
Xuất khẩu hàng hóa: Tính chung 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.365 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 13 triệu USD, giảm 43,9%; khu vực ngoài Nhà nước 369 triệu USD, tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 983 triệu USD, tăng 14,1%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, da giày và lâm sản chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu hàng hóa: Tính chung 6 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 831 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 11 triệu USD, giảm 39,2%; khu vực ngoài Nhà nước 213 triệu USD, tăng 17,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 607 triệu USD, tăng 27,9%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu may; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt chiếm 90,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
c. Giá
Giá điện, nước sinh hoạt, giá đồ uống, giá thịt lợn tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,36% so với tháng trước và tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng tăng 20,32% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,50%.
Trong mức tăng 0,36% của CPI tháng 6/2024 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng tăng giá; 02 nhóm hàng giảm giá và 02 nhóm giá ổn định.
Bình quân 6 tháng năm 2024, CPI tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng tăng 20,32% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,50%. Trong 11 nhóm hàng hóa có 10 nhóm tăng, trong đó nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhiều nhất 10,36%; một nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,45%).
d. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2024 đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vận chuyển hành khách tăng 4,8% và luân chuyển tăng 5,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,4% và luân chuyển hàng hóa tăng 17,0% so với cùng kỳ năm 2023.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Sáu tháng đầu năm 2024, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả. Tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân được thực hiện tốt. Ngành Giáo dục duy trì thành tích cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023-2024 theo đúng kế hoạch. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 78,0 tỷ đồng[3].
Thực hiện chính sách với người có công và thân nhân người có công: Giải quyết chế độ chính sách cho 13.965 lượt người có công (NCC), thân nhân NCC và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực NCC. Giới thiệu 64 trường hợp tới Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh để giám định; đề nghị cấp lại 51 bằng “Tổ quốc ghi công”.
Công tác bảo trợ xã hội: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trên 251 đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Tiếp nhận mới 06 đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công tác giảm nghèo: Giảm nghèo bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) năm 2023 là 3,85%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 1,09% và hộ cận nghèo là 2,76%.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, 5 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay hộ nghèo là 15.445 triệu đồng với 180 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 84.266 triệu đồng với 971 lượt khách hàng; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 145.508 triệu đồng với 1.695 lượt khách hàng; doanh số cho vay giải quyết việc làm 131.046 triệu đồng với 1.760 lượt khách hàng; doanh số cho vay đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 33.206,5 triệu đồng với 261 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 208.650 triệu đồng với 10.434 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội là 6.190 triệu đồng.
Giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ước 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.950 lượt người lao động, đạt 47,9% kế hoạch (trong đó có 1.800 người đi xuất khẩu lao động, đạt 128,57% kế hoạch); tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 77,8%.
[1] Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024; Liên hợp quốc (UN) nhận định đạt 2,7%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo đạt 3,1%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 02/2024; Liên minh châu Âu (EU) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với tăng trưởng năm 2023; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định đạt 3,2% năm 2024, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024.
[2] GRDP 6 tháng năm 2023 xếp thứ 3/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và 6/63 cả nước.
- Tốc độ tăng GRDP 6 tháng năm 2024 các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nam 10,35%; Hải Phòng 10,32%; Hải Dương 10,0%; Quảng Ninh 9,02%; Nam Định 8,56%; Ninh Bình 8,19%; Thái Bình 7,96%; Hưng Yên 6,81%; Vĩnh Phúc 6,26%; Hà Nội 6,0%; Bắc Ninh 2,32%.
[3] Trong đó, quà của Chủ tịch nước tặng người có công và người cao tuổi với số tiền trên 29,7 tỷ đồng; quà từ ngân sách tỉnh, huyện, xã 48,3 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng TK Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn