I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)
Kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 tăng trưởng 10,01% so với năm 2023, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023, là mức tăng cao trong vùng (4/11) và cả nước (9/63)[1]. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,83%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,27%, đóng góp 5,98 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 3,11 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,34%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.
Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 113.329 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người giá hiện hành đạt 59,83 triệu đồng/người, tăng 14,35% so với năm trước.
Về cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,70%; khu vực công nghiệp và xây dựng 43,50%; khu vực dịch vụ 35,68%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,12% (Cơ cấu tương ứng năm 2023: 18,44%; 42,61%; 35,90%; 3,05%).
2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
a. Hoạt động tài chính
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 vượt kế hoạch đề ra. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 33.223 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023, trong đó: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 14.218 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng thu và tăng 36,0% so với năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 9.837 tỷ đồng, chiếm 29,6% và bằng 91,4%; thu chuyển nguồn 9.168 tỷ đồng, chiếm 27,6% và tăng 17,0%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 32.313 tỷ đồng tăng 25,1% so với năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 10.656 tỷ đồng, chiếm 33,0% tổng chi và giảm 2,1% so với năm 2023; chi thường xuyên 14.155 tỷ đồng, chiếm 43,8% và tăng 62,9%.
b. Hoạt động ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh năm 2024 tăng 9,6%; tổng dư nợ tín dụng tăng 15,5% so với năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.
c. Hoạt động bảo hiểm
Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 93,55% dân số.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi trong sáu tháng đầu năm, bất thường trong sáu tháng cuối năm đặc biệt là cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Năng suất và sản lượng một số loại cây trồng vụ Xuân tăng khá, vụ Mùa giảm so với năm trước. Chăn nuôi phát triển khởi sắc do giá lợn hơi ở mức cao so với cùng kỳ trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản tích cực phát huy các lợi thế của địa phương để thúc đẩy sản xuất phát triển đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
a. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Năm 2024, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 171.080 ha, giảm 0,45% so với năm trước; trong đó: vụ Đông (2023-2024) 9.538 ha, giảm 0,7%; vụ Xuân 81.967 ha, giảm 0,4%; vụ Mùa 79.575 ha, giảm 0,5%. Tính chung cả năm, diện tích lúa gieo trồng 141.017 ha và cây rau màu các loại 30.063 ha.
Cây lúa: Diện tích lúa cả năm 141.017 ha, giảm 0,4% so với năm trước, trong đó vụ Xuân 70.256 ha, vụ Mùa 70.761 ha. Diện tích giảm do một số nguyên nhân chủ yếu như bỏ hoang, chuyển sang đất phi nông nghiệp, mưa ngập, … Năng suất lúa cả năm 59,78 tạ/ha, giảm 2,3% so với năm 2023; sản lượng thóc đạt 843.054 tấn.
Cây rau màu các loại: Toàn tỉnh gieo trồng 30.063 ha, giảm 0,8% so với năm trước, trong đó: ngô 2.842 ha; cây lấy củ có chất bột 3.010 ha; cây có hạt chứa dầu 5.257 ha; cây rau, đậu và các loại hoa 17.183 ha,....
Chăn nuôi và thú y: Thời điểm cuối tháng 12/2024, đàn trâu ước có 7.954 con, tăng 1,8%; đàn bò 28.644 con, tăng 5,1%; đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) 587.021 con, tăng 4,9% so với cùng thời điểm năm 2023; đàn gia cầm 10.448 nghìn con, tăng 5,8%; trong đó đàn gà 7.558 nghìn con, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2023.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 195.365 tấn, tăng 4,6% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 142.936 tấn, tăng 3,6%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 39.551 tấn, tăng 8,4%. Sản lượng trứng gia cầm 509.408 nghìn quả, tăng 7,0% so với năm 2023.
b. Lâm nghiệp
Gỗ được khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn, chủ yếu là gỗ xây dựng cơ bản, giá trị kinh tế thấp. Sản lượng gỗ khai thác năm 2024 đạt 4.785 m3, tăng 1,2%; sản lượng củi 13.125 ste, tăng 3,9% so với năm trước.
c. Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản năm 2024 phát triển ổn định. Các cơ sở nuôi trồng, khai thác tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao sản lượng thuỷ sản và hiệu quả kinh tế. Sản lượng thuỷ sản ước đạt 202.580 tấn, tăng 4,7% so với năm trước; trong đó nuôi trồng 141.434 tấn và khai thác 61.146 tấn.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 141.434 tấn, tăng 5,7% so với năm 2023; trong đó: sản lượng cá chiếm tỷ trọng lớn nhất với 73.526 tấn, chiếm 52,0% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, tăng 5,9%; sản lượng tôm đạt 7.886 tấn, chiếm 5,6%, tăng 2,1%; hải sản khác đạt 60.022 tấn, chiếm 42,4%, tăng 6,0%.
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 61.146 tấn, tăng 2,4% so với năm trước, trong đó: sản lượng khai thác biển đạt 58.483 tấn, tăng 2,4%; sản lượng khai thác nội địa đạt 2.663 tấn, tăng 2,1%.
Sản xuất giống thuỷ sản được mở rộng, số lượng con giống đạt 17.522 triệu con, tăng 5,2% so với năm 2023; trong đó giống thủy sản nuôi biển đạt 16.184 triệu con, tăng 5,4%; cá giống nuôi nội địa đạt 1.190 triệu con, tăng 3,0%; tôm giống nuôi nội địa đạt 148 triệu con, tăng 1,4%.
4. Sản xuất công nghiệp
Tháng cuối năm các doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2024 ước tăng 13,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2024 ước tăng 14,56% so với năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,65%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 14,56% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,65%, đóng góp 14,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,88%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 23,30%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 34,77%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm.
Khối lượng sản phẩm công nghiệp năm 2024 ở một số ngành chủ lực tăng cao so với năm trước: Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 24,8%; quần áo may sẵn tăng 18,7%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 18,6%; giày, dép tăng 17,6%; gạo xay xát tăng 14,0%; vải các loại tăng 13,2%; thuốc dạng viên các loại tăng 12,9%; gỗ cưa hoặc xẻ tăng 7,0%. Ngược lại, một số sản phẩm có khối lượng giảm như: Muối biển giảm 30,0%; bia hơi giảm 9,6%; sợi các loại giảm 6,7%; đồ chơi giảm 6,3%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2024 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, chỉ số này giảm 6,20% so với năm trước.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2024 giảm 11,57% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,30% so với cùng thời điểm năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 12/2024 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, chỉ số này tăng 2,41% so với năm trước.
5. Đầu tư và xây dựng
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tỉnh quan tâm đầu tư; các công trình trọng điểm đặc biệt trong lĩnh vực giao thông liên vùng và hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung được chú trọng đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cùng với tín hiệu tích cực của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hộ dân cư giúp cho hoạt động đầu tư, xây dựng đạt mức tăng khá.
Vốn đầu tư trên địa bàn: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2024 ước đạt 62.420 tỷ đồng, tăng 18,0% so với năm trước; trong đó: vốn Nhà nước 13.736 tỷ đồng, chiếm 22,0% và tăng 3,0%; vốn ngoài Nhà nước 42.189 tỷ đồng, chiếm 67,6% và tăng 15,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6.495 tỷ đồng, chiếm 10,4% và tăng 105,9%.
Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 8.395 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch năm và tăng 30,9% so với năm 2023, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 7.805 tỷ đồng, đạt 92,0% và tăng 33,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 356 tỷ đồng, đạt 100% và tăng 60,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 234 tỷ đồng, đạt 100% và giảm 29,0%.
Xây dựng: Các công trình trọng điểm của Nhà nước, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và dự án xây dựng nhà máy sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được triển khai nhanh cùng với nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở khu vực hộ dân cư gia tăng góp phần tích cực vào tăng trưởng ngành xây dựng của tỉnh. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 16,2% so với năm trước.
6. Hoạt động của doanh nghiệp
a. Tình hình đăng ký kinh doanh
Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2024 ghi nhận tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động (1.806 doanh nghiệp) lớn hơn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể (1.209 doanh nghiệp); số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 2,5 lần so với năm trước.
b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động SXKD quý IV/2024 khởi sắc hơn quý III/2024 với 77,30% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định; 22,70% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý I/2025 khả quan hơn quý IV/2024 với 86,52% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định; 13,48% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
7. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a. Tình hình nội thương
Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động hơn về tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12/2024 tăng 8,9% so với tháng trước. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,8% so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12/2024 ước đạt 7.388 tỷ đồng, tăng 8,9% so với tháng trước và tăng 14,0% so với cùng tháng năm trước, trong đó: bán lẻ hàng hóa 6.585 tỷ đồng, tăng 9,6%; lưu trú và ăn uống 431 tỷ đồng, tăng 0,4%; du lịch lữ hành 2 tỷ đồng, giảm 2,2%; dịch vụ khác 370 tỷ đồng, tăng 7,0% so với tháng trước.
Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 đạt 78.080 tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần so với năm 2020 - năm xảy ra dịch Covid-19 và tăng 13,8% so với năm trước.
Công tác quản lý thị trường: Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh trong năm 2024 tiến hành kiểm tra 791 vụ, phát hiện và xử lý 386 vụ vi phạm hành chính với 387 hành vi vi phạm, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 3.444 triệu đồng.
b. Xuất nhập khẩu
Năm 2024, nhiều thị trường xuất khẩu của tỉnh phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu mặt hàng phục vụ sản xuất là động lực chủ yếu thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 4.775 triệu USD, tăng 21,4% so với năm 2023; trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 18,9%, nhập khẩu hàng hóa tăng 25,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1.225 triệu USD.
Tính chung năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 1.775 triệu USD, tăng 25,8% so với năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 22 triệu USD, giảm 24,0%; khu vực ngoài Nhà nước 436 triệu USD, tăng 17,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.317 triệu USD, tăng 30,3%. Ba mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của tỉnh là nguyên phụ liệu may; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt chiếm 81,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
c. Giá cả
Giá thịt lợn, thịt gia cầm giảm; giá rau giảm do nguồn cung dồi dào thời điểm thu hoạch rau vụ Đông Xuân là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 giảm 0,10% so với tháng trước; tăng 3,24% so với tháng 12/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 4,01% so với năm 2023; chỉ số giá vàng tăng 19,50% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,85%.
d. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải năm 2024 tăng trưởng tích cực đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa. Vận chuyển hành khách tăng 3,1% và luân chuyển tăng 3,6% so với năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 15,5% và luân chuyển tăng 15,6%.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải năm 2024 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 9.228 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023, trong đó: vận tải hành khách 1.545 tỷ đồng, tăng 3,9%; vận tải hàng hoá 7.322 tỷ đồng, tăng 17,2%; dịch vụ hỗ trợ vận tải 317 tỷ đồng, tăng 12,6% và bưu chính, chuyển phát 44 tỷ đồng tăng 41,5%.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Dân số và lao động
Dân số trung bình tỉnh Nam Định năm 2024 là 1.894.204 người, tăng 0,4% so với năm 2023. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện: Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng giảm. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 106 triệu đồng/lao động, tăng 14,6% so với năm trước.
a. Dân số
Dân số trung bình năm 2024 là 1. 894.204 người, tăng 0,4% so với năm 2023. Trong tổng dân số, dân số thành thị 387.968 người, chiếm 20,5%; dân số nông thôn 1.506.236 người, chiếm 79,5%; dân số nam 928.155 người, chiếm 49,0%; dân số nữ 966.049 người, chiếm 51,0%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2024 là 96,1 nam/100 nữ.
Tổng tỷ suất sinh ước tính năm 2024 đạt 2,58 con/phụ nữ; tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh 112,8 bé trai/100 bé gái. Tỷ suất sinh thô 14,20‰, tỷ suất chết thô 5,30‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (số trẻ em dưới 1 tuổi tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống) là 10,60‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống) là 16,09‰. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 9,65%3. Tuổi thọ trung bình của dân số tỉnh đạt 74,9 tuổi.
b. Lao động
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 1.069.200 người, chiếm 56,4% dân số. Bao gồm 292.854 người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 6,1% so với năm trước, chiếm 27,39% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 460.077 người, tăng 3,1%, chiếm 43,03%; khu vực dịch vụ 316.269 người, tăng 2,1%, chiếm 29,58%. Chuyển dịch lao động tiếp tục theo xu hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ với tỷ trọng lao động tương ứng trong các khu vực năm 2023 là: 29,20%; 41,79%; 29,01%.
Năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 106,0 triệu đồng/lao động, tăng 14,6% so với năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2024 đạt 23,50%, cao hơn mức 23,06% năm 2023.
Năm 2024, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,72%, giảm 0,04 điểm phần trăm; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 1,53%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm 2023.
2. Đời sống dân cư
Tình hình đời sống các tầng lớp dân cư năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhìn chung được cải thiện. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được các cấp, các ngành quan tâm và đảm bảo; giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt ổn định.
Mức sống dân cư: Thu nhập bình quân một người một tháng theo giá hiện hành năm 2024 đạt 5.940 nghìn đồng, tăng 8,0% so với năm 2023 (438 nghìn đồng). Trong đó: khu vực thành thị 7.950 nghìn đồng, tăng 10,1%; khu vực nông thôn 5.420 nghìn đồng, tăng 7,2% so với năm trước.
Trong dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, các cấp, các ngành tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 148 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách với người có công: Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ, tri ân những người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân quan tâm bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Năm 2024, tỉnh Nam Định thực hiện hỗ trợ cho người có công (NCC) và thân nhân của NCC với cách mạng tổng số tiền 1.328.531 triệu đồng, tăng 13,44% so với năm 2023. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ chính sách cho trên 20.000 lượt NCC, thân nhân NCC và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực NCC.
Trong năm, Trung tâm Điều dưỡng người có công tổ chức các hoạt động phục vụ công tác điều dưỡng tại Trung tâm cho 442/800 người có công (đạt 55,25% chỉ tiêu KH), phối hợp đưa đón 1.153 người có công, thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng ở tỉnh ngoài.
Công tác bảo trợ xã hội: Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh thực hiện tốt các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho 289 đối tượng. Trong năm tiếp nhận 14 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 35 trẻ em khuyết tật vào chăm sóc nuôi dưỡng. Quản lý, phối hợp thực hiện quản lý, chăm sóc đối tượng là trẻ em, người lang thang xin ăn thuộc diện bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú...
Công tác giảm nghèo: Theo Quyết định số 2901/QĐ-UBND ngày 27/12/2024 của UBND tỉnh Nam Định, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 3,29%. Trong đó: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,09% xuống còn 0,95%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,76% xuống còn 2,34%), vượt chỉ tiêu Kế hoạch đề ra.
[1] Tốc độ tăng/giảm GRDP các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng: Hải Phòng 11,01%; Hà Nam 10,93%; Hải Dương 10,20%; Nam Định 10,01%; Ninh Bình 8,56%; Quảng Ninh 8,42%; Hưng Yên 7,70%; Vĩnh Phúc 7,52%; Thái Bình 7,01%; Hà Nội 6,52%; Bắc Ninh 6,03%.
Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng TK Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn