Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2024

Thứ sáu - 29/03/2024 00:16

 

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)

Kinh tế tỉnh Nam Định quý I/2024 tăng trưởng 7,07% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng[1] và 14/63 cả nước; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò động lực tăng trưởng với mức đóng góp 3,89 điểm phần trăm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 12.930 tỷ đồng, tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,89%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,52%, đóng góp 3,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,68%, đóng góp 2,56 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,39%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm.

Quy mô GRDP tỉnh Nam Định theo giá hiện hành quý I/2024 ước đạt 23.791 tỷ đồng, tăng 11,28% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,57%; khu vực công nghiệp và xây dựng 41,78%; khu vực dịch vụ 38,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,40% (Cơ cấu tương ứng quý I năm 2023: 17,13%; 43,21%; 36,79%; 2,87%).

2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

a. Hoạt động tài chính

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I/2024 ước đạt 2.074 tỷ đồng, bằng 17,2% dự toán năm, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 5.795 tỷ đồng, bằng 69,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.074 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng thu và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 3.273 tỷ đồng, chiếm 56,4% và bằng 65,6%; thu chuyển nguồn 447 tỷ đồng, chiếm 7,7% và bằng 30,0%

Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 5.189 tỷ đồng, bằng 25,1% dự toán năm và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 2.088 tỷ đồng, chiếm 40,3% tổng chi và bằng 75,8% so với cùng kỳ năm 2023; chi thường xuyên 3.100 tỷ đồng, chiếm 59,7% và tăng 54,5%.

b. Hoạt động ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tháng 3/2024 tăng 12,9%; tổng dư nợ tín dụng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng 3/2024 ước đạt 123.230 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ và tăng 2,0% so với ngày cuối cùng của năm trước.

Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 101.360 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ và giảm 2,6% so với ngày cuối cùng của năm trước.

c. Hoạt động bảo hiểm

Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tỷ lệ người tham gia BHYT ước đạt 89,2% dân số.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, xây dựng nông thôn mới

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp tập trung thu hoạch xong cây trồng vụ Đông và gieo cấy, chăm sóc lúa, rau màu vụ Xuân. Chăn nuôi phát triển ổn định; không phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Sản xuất lâm nghiệp tập trung vào các hoạt động hưởng ứng phong trào Tết trồng cây và chăm sóc, bảo vệ rừng. Ngành thủy sản tăng cường chăm sóc, thu hoạch các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm.

a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Trong quý, các địa phương thu hoạch xong cây trồng vụ Đông;  đang tập trung chăm sóc lúa đợt 2 các cây hàng năm khác vụ Xuân. Diện tích vụ Đông Xuân sơ bộ đạt 91.515 ha, giảm 0,4% so cùng kỳ với năm trước.

Vụ Đông gieo trồng 9.538 ha cây rau màu các loại, giảm 0,7% so với năm 2023, trong đó: cây ngô 1.046 ha, tăng 1,9%; cây lấy củ có chất bột 2.031 ha, giảm 1,0%; rau, đậu và hoa các loại 5.882 ha, giảm 1,1%. Năng suất các loại cây nhìn chung cao hơn năm trước, chất lượng đáp ứng được yêu cầu thị trường, giá bán các sản phẩm ổn định.

Vụ Xuân gieo trồng 81.977 ha lúa và rau màu các loại, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, gồm: 70.256 ha lúa và 11.721 ha rau màu các loại.

Diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân sơ bộ đạt 70.256 ha, giảm 0,2% so với năm trước. Tính đến trung tuần tháng 3, thời tiết tương đối thuận lợi, cây lúa sinh trưởng tốt và đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành chăm sóc đợt 1, một số diện tích bắt đầu chăm sóc đợt 2.

Cây rau màu các loại ước đạt 11.721 ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: ngô và cây lương thực khác 893 ha, giảm 1,3%; cây lấy củ có chất bột 356 ha, giảm 6,2%; cây thuốc lá, thuốc lào 33 ha, giảm 8,3%; cây lấy sợi 43 ha, giảm 8,5%; cây có hạt chứa dầu 4.009 ha, giảm 1,9%; cây rau, đậu và các loại hoa 5.806 ha, giảm 1,2%; cây hàng năm khác 582 ha, tăng 1,6%. Cây màu đang phát triển tốt, cây lạc đang phân cành cấp I, ngô phổ biến được 5-6 lá.

Chăn nuôi và thú y: Thời điểm cuối tháng 3/2024, đàn trâu ước có 7.632 con, tăng 0,9%; đàn bò 28.141 con, giảm 0,1%; đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) 572.325 con, giảm 4,1% so với cùng thời điểm năm 2023.

Đàn gia cầm 9.019 nghìn con, tăng 1,5%; trong đó đàn gà 6.387 nghìn con, tăng 1,7% so với cùng thời điểm năm 2023.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại quý I/2024 ước đạt 56.801 tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 43.185 tấn, tăng 0,2%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 9.809 tấn, tăng 4,7%. Sản lượng trứng gia cầm 136.041 nghìn quả, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

b. Lâm nghiệp

Sản lượng gỗ khai thác quý I/2024 ước đạt 1.079 m3, tăng 0,6%, sản lượng củi 2.379 ste, tăng 0,6%.

c. Thuỷ sản

Sản xuất thuỷ sản 3 tháng đầu năm duy trì ổn định; các cơ sở nuôi trồng, khai thác thuỷ sản tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất. Sản lượng thuỷ sản tháng 3/2024 ước đạt 15.076 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước; tính chung quý I/2024, sản lượng thủy sản đạt 42.596 tấn, tăng 3,1%.

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 29.674 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: sản lượng cá 13.834 tấn, chiếm 46,6% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, tăng 3,8%; sản lượng tôm đạt 928 tấn, chiếm 3,1%, tăng 1,5%; hải sản khác đạt 14.912 tấn, chiếm 50,3%, tăng 3,7%.

Sản lượng thủy sản khai thác 12.922 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng khai thác biển đạt 12.440 tấn, tăng 1,9%; sản lượng khai thác nội địa đạt 482 tấn, giảm 2,2%. Tổng số tàu cá của tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 521/535 tàu.

Hoạt động sản xuất và cung ứng giống thủy sản được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu nuôi thả của người dân. Số lượng con giống đạt 31 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.

d. Xây dựng nông thôn mới

Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 96,6%) và 32/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 17%).

4. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp quý I/2024 duy trì xu hướng phục hồi tích cực; các doanh nghiệp bảo đảm đơn hàng trong dài hạn, tăng ca liên tục sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2024 tăng 22,58% so với tháng trước và tăng 8,09% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,79%.

a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2024 tăng 22,58% so với tháng trước (tháng Tết Nguyên đán) và tăng 8,09% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngành khai khoáng giảm 1,80%; ngành chế biến, chế tạo tăng 23,12%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,73%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 18,39%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 ước tăng 12,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,79%, đóng góp 12,39 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,79%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,74%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 10,46%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm do quý I năm nay thời tiết nồm ẩm kéo dài, số ngày nắng thấp nên sản lượng muối của cơ sở cá thể giảm mạnh.

b. Sản phẩm sản xuất chủ yếu

Khối lượng sản phẩm công nghiệp quý I/2024 tăng khá so với cùng kỳ năm trước: vải các loại tăng 11,39%; quần áo may sẵn tăng 4,04%; giày, dép tăng 11,39%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 10,18%; sản phẩm in tăng 35,14%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 15,28%.

c. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2024 tăng 37,03% so với tháng trước. Tính chung quý I/2024, chỉ số này tăng 9,82% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 giảm 2,38% so với cùng thời điểm năm trước.

d. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 3/2024 giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 7,10% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I/2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước.

5. Đầu tư và xây dựng

Ngay từ đầu năm, tỉnh Nam Định tập trung hoàn thành công tác phân bổ dự toán đầu năm nguồn vốn đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm; nhiều dự án mới của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực triển khai đầu tư xây dựng. Hoạt động đầu tư và xây dựng quý I năm 2024 đạt mức tăng khá: Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành tăng 16,8%; Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

a. Đầu tư

Vốn đầu tư trên địa bàn: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I năm 2024 ước đạt 11.784 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước, trong đó: vốn Nhà nước 2.440 tỷ đồng, chiếm 20,7% và tăng 17,2%; vốn ngoài Nhà nước 8.414 tỷ đồng, chiếm 71,4%tăng 12,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 930 tỷ đồng, chiếm 7,9% và tăng 71,6%.

Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 1.692 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch năm và tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.572 tỷ đồng, đạt 17,0% và tăng 17,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 64 tỷ đồng, đạt 18,0% và giảm 13,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 56 tỷ đồng, đạt 23,9% và tăng 15,6%.

Trong tháng, tỉnh tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484); Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện đa khoa tỉnh,... Các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố.

Thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 6 dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 79,2 triệu USD.

b. Xây dựng

Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng khá do nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN, các dự án xây dựng nhà máy sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đẩy nhanh tiến độ. Nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân địa phương có chiều hướng tốt lên. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh quý I/2024 tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng sản xuất ngành xây dựng: Kết quả khảo sát tình hình hoạt động sản xuất các doanh nghiệp xây dựng trong quý I/2024 cho thấy khó khăn hơn quý IV/2023: Có 3,9% doanh nghiệp cho là thuận lợi hơn; có 50,6% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo quý II/2024, hoạt động sản xuất các doanh nghiệp xây dựng thuận lợi hơn quý I/2024: Có 70,1% doanh nghiệp cho là thuận lợi hơn; có 9,1% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

6. Hoạt động của doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký kinh doanh

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý I/2024  giảm 3,0% với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng 15,6% so với năm 2023. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể giảm 74,2% so với năm trước.

Ba tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 282 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.226 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 3.960 lao động, giảm 13,8% về số doanh nghiệp, tăng 15,6% về vốn đăng ký và giảm 8,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I năm 2024 đạt 11,4 tỷ đồng, tăng 34,0%. Bên cạnh đó, có 144 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I năm 2024 đạt 426 doanh nghiệp, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 142 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, quý I/2024 có 01 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 75,0% so với cùng kỳ năm trước; 111 doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 19,6%; 170 doanh nghiệp khu vực dịch vụ, giảm 8,1%.

b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 54,29% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2024 với tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2023; 45,71% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý II/2024 khả quan hơn quý I/2024 với 94,29% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định; 5,71% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

Theo nhận định của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: trong quý I/2024, có 19,29% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên; 35,00% số doanh nghiệp SXKD giữ ổn định và 45,71% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn so với quý IV/2023. Dự báo qII/2024, có 70,00% số doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên; 24,29% giữ ổn định và 5,71% khó khăn hơn so với quý I/2024.

7. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Hoạt động thương mại, dịch vụ quý I/2024 tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cung cầu hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2024 tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2024 đạt 18.756 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2024 có quy mô và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước cao nhất trong giai đoạn 2020-2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2024 đạt 18.756 tỷ đồng, gấp 1,54 lần so với quý I năm 2020 – năm xảy ra dịch Covid-19 và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 16.686 tỷ đồng, chiếm 89,0% tổng mức và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 1.114 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng mức, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu du lịch lữ hành 5 tỷ đồng và 8 nghìn lượt khách, tăng 14,5% doanh thu và 11,2% lượt khách; doanh thu dịch vụ khác 951 tỷ đồng, chiếm 5,1% tổng mức và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 3/2024 đạt mức tăng khá với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 395 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 994 triệu USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 266 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa: Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 630 triệu USD, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 8 triệu USD, giảm 19,8%; khu vực ngoài Nhà nước 171 triệu USD, tăng 21,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 451 triệu USD, tăng 23,5%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, da giày và lâm sản.

Nhập khẩu hàng hóa: Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 364 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước 5 triệu USD, giảm 25,8%; khu vực ngoài Nhà nước 101 triệu USD, tăng 17,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 258 triệu USD, tăng 18,8%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất và gia công như: Nguyên phụ liệu may; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt.

c. Giá

Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm; giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân quý I/2024, CPI tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức giảm 0,01% của CPI tháng 3/2024 so với tháng trước, có 03 nhóm hàng giảm giá; 06 nhóm hàng tăng giá và 02 nhóm hàng giá ổn định.

Bình quân 3 tháng năm 2024, CPI tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng tăng 16,32% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,83%. Trong 11 nhóm hàng hóa có 09 nhóm tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng nhiều nhất 19,12%; hai nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,39%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,25%).

d. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải quý I/2024 tăng trưởng cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Vận chuyển hành khách tăng 8,2% và luân chuyển tăng 9,0% do nhu cầu đi lại, lễ hội đầu xuân của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh với hàng hóa vận chuyển tăng 24,2% và luân chuyển tăng 24,6%.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3/2024 ước đạt 589 tỷ đồng, tăng 9,9% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.953 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách quý I/2024 ước đạt 6.204 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 8,2% và luân chuyển 463 triệu lượt khách.km, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Vận tải hàng hóa quý I/2024 ước đạt 12.155 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023 và luân chuyển 2.441 triệu tấn.km, tăng 24,6%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Quý I năm 2024, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả. Một số dịch bệnh có xu hướng tăng nhưng được kiểm soát kịp thời. Ngành Giáo dục duy trì thành tích cao tại các kỳ thi. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền cổ động chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Tết Nguyên đán Giáp Thìn tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thực hiện chính sách với người có công và thân nhân người có công: Tỉnh Nam Định thực hiện trợ cấp, phụ cấp hằng tháng cho người có công (NCC) và thân nhân của NCC với cách mạng 306,33 tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 46,55 tỷ đồng.

Tháng 02/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ chính sách lĩnh vực NCC đối với 509 NCC và thân nhân NCC; Giới thiệu 20 người tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám giám định.

Công tác bảo trợ xã hội: Tỉnh thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, gồm: trợ cấp, phụ cấp hằng tháng gần 138,61 tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất trong dịp Tết Nguyên đán hơn 16,05 tỷ đồng.

Hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội không thuộc Nghị định 20/2021/NĐ-CP trong dịp Tết Nguyên đán 2,43 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo: Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, 2 tháng đầu năm 2024 doanh số cho vay hộ nghèo là 3.795 triệu đồng với 44 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 27.601 triệu đồng với 320 lượt khách hàng; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 41.248 triệu đồng với 495 lượt khách hàng; doanh số cho vay giải quyết việc làm 46.565,5 triệu đồng với 597 lượt khách hàng; doanh số cho vay đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 28.831 triệu đồng với 170 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 72.994 triệu đồng với 3.650 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội là 1.200 triệu đồng.

Giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Trong tháng 3/2024, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tư vấn việc làm, học nghề cho 2.952 lượt lao động. Giới thiệu việc làm cho 248 lao động, Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 405 người.



[1] GRDP quý I/2023 xếp thứ 7/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và 15/63 cả nước.

Tốc độ tăng/giảm GRDP quý I/2024 các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nam 10,98%; Hải Dương 9,81%; Hải Phòng 9,32%; Quảng Ninh 8,79%; Ninh Bình 8,04%; Nam Định 7,07%; Hưng Yên 6,72%; Hà Nội 5,50%; Thái Bình 5,31%; Vĩnh Phúc 4,06%; Bắc Ninh -3,83%.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây