I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông nghiệp tháng Tám tập trung hoàn thành gieo trồng và chăm sóc cây hàng năm vụ Mùa. Chăn nuôi phát triển ổn định; tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát. Ngành thuỷ sản tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh tế.
a. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Vụ Mùa năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng 79.971 ha lúa và cây rau màu các loại, giảm 1,1% so với vụ Mùa năm trước; gồm 71.160 ha lúa và 8.811 ha rau màu các loại.
Diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa đạt 71.160 ha lúa, giảm 1,2% so với năm trước. Diện tích lúa giảm chủ yếu do bỏ hoang và lấy đất phục vụ mục đích phi nông nghiệp. Một số huyện có diện tích lúa giảm nhiều như Trực Ninh (-228 ha), Nam Trực (-138 ha), Giao Thủy (-133 ha),…
Diện tích gieo trồng rau màu các loại vụ Mùa đạt 8.811 ha, giảm 0,8% so với năm trước, trong đó: ngô và cây lương thực có hạt khác 912 ha; cây lấy củ có chất bột 653 ha; cây mía 51 ha; cây có hạt chứa dầu 1.175 ha; cây rau, đậu và các loại hoa 5.460 ha; cây hàng năm khác còn lại 552 ha.
Chăn nuôi và thú y: Tại thời điểm cuối tháng 8/2023, dự ước đàn trâu có 7.623 con, tăng 0,6%; đàn bò 28.606 con, giảm 1,5%; đàn lợn 579.487 con, giảm 0,4% so với cùng thời điểm năm trước. Đàn gia cầm 9.300 nghìn con, tăng 2,7%, trong đó đàn gà 6.483 nghìn con, tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 102.852 tấn, tăng 2,7%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 24.469 tấn, tăng 5,4%. Sản lượng trứng gia cầm 331.694 nghìn quả, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
b. Lâm nghiệp
Sản lượng gỗ khai thác 8 tháng năm 2023 ước đạt 2.928 m3, tăng 2,2%; sản lượng củi 8.642 ste, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022.
c. Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 8/2023 ước đạt 17.944 tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, sản lượng thuỷ sản đạt 127.054 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 85.522 tấn, sản lượng thủy sản khai thác 41.532 tấn.
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng Tám duy trì ổn định, ước tăng 2,61% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,57% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,75%.
a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tăng 2,61% so với tháng trước và tăng 15,19% so với cùng kỳ năm 2022. So với tháng trước, ngành khai khoáng tăng 0,50%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,79%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 8,56%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,74%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 ước tăng 13,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,75%, đóng góp 13,35 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,73%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,27%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 24,48%, làm giảm 0,09 điểm phần trăm.
b. Sản phẩm công nghiệp
Hoạt động công nghiệp 8 tháng năm 2023 tập trung nguồn lực sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực 8 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước: Bia hơi tăng 18,49%; bia đóng chai tăng 19,05%; vải các loại tăng 48,25%; quần áo may sẵn tăng 8,38%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 14,92%; sản phẩm in tăng 21,55%; phụ tùng xe có động cơ tăng 23,76%; thủy hải sản đông lạnh khác (trừ tôm, cá, mực) tăng 5,71%;…
c. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2023 tăng 4,80% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số này tăng 7,81% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/8/2023 tăng 25,99% so với cùng thời điểm năm trước.
d. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 giảm 0,66% so với tháng trước và tăng 15,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 9,88% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư và xây dựng
Tháng Tám, tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm; nhất là các dự án hạ tầng giao thông có tính liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 4.072 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2023 ước thực hiện 543 tỷ đồng, đạt 6,1% kế hoạch năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Cấp tỉnh 470 tỷ đồng, đạt 5,8%, tăng 6,5%; cấp huyện 46 tỷ đồng, đạt 9,7%, tăng 143,5%; cấp xã 27 tỷ đồng, đạt 9,5%, tăng 109,4%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 4.072 tỷ đồng, đạt 45,9% kế hoạch năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cấp tỉnh 3.664 tỷ đồng, đạt 45,1%, tăng 9,8%; cấp huyện 247 tỷ đồng, đạt 51,7%, tăng 140,1%; cấp xã 161 tỷ đồng, đạt 57,0%, tăng 43,8%.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2023 ước đạt 4.516 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm và bằng 85,9% so với cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và các khoản chi khác.
5. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a. Tình hình nội thương
Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 8/2023 giảm 2,1% so với tháng trước do tháng Tám năm nay trùng với tháng Bảy âm lịch nên tâm lý người dân hạn chế mua sắm. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8/2023 ước đạt 5.599 tỷ đồng, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: bán lẻ hàng hóa 4.988 tỷ đồng, giảm 2,2%; lưu trú và ăn uống 323 tỷ đồng, giảm 0,8%; du lịch lữ hành 1 tỷ đồng, giảm 2,0%; dịch vụ khác 287 tỷ đồng, giảm 2,5% so với tháng trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng năm 2023 đạt 44.727 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với 8 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 và tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.
b. Xuất, nhập khẩu
Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng Tám có tín hiệu tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tăng 14,7% so với tháng trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 17,7%. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2.602 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 788 triệu USD.
c. Giá cả
Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,71% so với tháng trước và tăng 2,42% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 2,33% so với cùng kỳ năm trước[1].
d. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải tháng Tám duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa; đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tính chung 8 tháng năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 12,2% và luân chuyển tăng 8,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 19,9% và luân chuyển tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Tháng Tám, công tác an sinh xã hội tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Dịch Covid-19 được kiểm soát; một số dịch bệnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp và sẵn sàng bước vào năm học mới 2023-2024. Chuẩn bị tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thực hiện chính sách với người có công: Trong tháng 7/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công đối với 1.629 người có công và thân nhân người có công; giới thiệu tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám giám định đối với 3 trường hợp.
Các cấp, các ngành tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như: tổ chức Đoàn đại biểu NCC tiêu biểu của tỉnh đi gặp mặt Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ LĐTBXH; tổ chức đưa đón 700 NCC đi điều dưỡng tập trung; triển khai thực hiện công tác tặng quà của Chủ tịch nước, quà của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho gần 58.500 người có công và thân nhân liệt sĩ, với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng.
Công tác bảo trợ xã hội: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trên 230 đối tượng đang quản lý. Tháng 7/2023, tiếp nhận 01 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Ngày 31/7/2023, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội “Những giọt máu hồng” hè 2023. Với thông điệp: “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, ngày hội thu hút trên 1.269 cán bộ, đoàn viên, thanh niên thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia; tiếp nhận 1.088 đơn vị máu toàn phần.
[1] Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân các năm 2019-2023 so với năm trước lần lượt là: tăng 3,73%; tăng 4,99%; giảm 0,19%; tăng 2,87%; tăng 2,33%.
Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng Thống kê Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn