Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2023

Thứ năm - 27/04/2023 20:39

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tháng 4/2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Sản xuất nông nghiệp tập trung chăm sóc lúa và rau màu vụ Xuân. Chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản xuất thủy sản duy trì trong cả hoạt động nuôi trồng và khai thác.

a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Toàn tỉnh gieo trồng 82.293 ha lúa và cây rau màu vụ Xuân các loại, giảm 0,7% so với vụ Xuân năm 2022; gồm 70.394 ha lúa và 11.899 ha rau màu các loại. Tổng diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân đạt 91.896 ha; giảm 0,4% so với vụ Đông Xuân năm 2022.

Cây lúa: Diện tích gieo cấy đạt 70.394 ha, giảm 0,9% so với năm trước. Diện tích giảm chủ yếu do diện tích đất bỏ hoang, phục vụ quá trình đô thị hóa và các dự án hạ tầng giao thông[1],… Một số huyện có diện tích lúa giảm nhiều như Nam Trực (-182 ha), Giao Thủy (-117 ha), Ý Yên (-79 ha), Trực Ninh (-62 ha).

Chăn nuôi và thú y: Tại thời điểm cuối tháng 4/2023, dự ước đàn trâu có 7.164 con, tăng 0,6%; đàn bò 28.454 con, giảm 1,7% so với cùng thời điểm năm trước.

Đàn lợn 620.767 con, giảm 0,6%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 4/2023 ước đạt 12.444 tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 86 kg/con.

Đàn gia cầm 9.212 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó đàn gà 6.893 nghìn con, tăng 2,6%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 56.024 tấn, giảm 0,3%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 11.972 tấn, tăng 6,1%. Sản lượng trứng gia cầm 170.187 nghìn quả, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022.

b. Lâm nghiệp

Sản lượng gỗ khai thác 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.460 m3, tăng 0,7%; sản lượng củi ước đạt 3.038 ste, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng gỗ và lâm sản khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn, chủ yếu được khai thác từ diện tích cây phân tán.

c. Thuỷ sản

Trong tháng, các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tập trung xuống giống nuôi thả vụ xuân hè. Các cơ sở khai thác thủy sản tranh thủ thời tiết thuận lợi tích cực bám biển bắt đầu vụ cá Nam.

Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 4/2023 đạt 17.192 tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 10.867 tấn, tăng 5,2%; khai thác 6.325 tấn, tăng 2,1%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 4/2023 duy trì ổn định, ước tăng 3,40% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,03% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,11%.

a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2023 tăng 3,40% so với tháng trước và tăng 12,89% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,96%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,41%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,52%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,99%.

Tính chung 4 tháng đầu năm[2], chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 12,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,11%, đóng góp 11,77 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,26%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,12%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 31,70%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.

3. Đầu tư và xây dựng

Tháng 4/2023, tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt kết quả khá. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là dự án trọng điểm được quan tâm đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Giải ngân vốn đầu tư 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 22,1% kế hoạch năm và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2023 ước thực hiện 526 tỷ đồng, đạt 6,1% kế hoạch năm, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Cấp tỉnh 480 tỷ đồng, đạt 6,2%, tăng 8,8%; cấp huyện 29 tỷ đồng, đạt 6,0%, tăng 142,8%; cấp xã 17 tỷ đồng, đạt 6,0%, tăng 41,6%.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.752 tỷ đồng, bằng 29,0% dự toán năm và bằng 82,2% so với cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, chi trả lương và các khoản chi thường xuyên.

Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11.379 tỷ đồng, bằng 92,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.752 tỷ đồng, bằng 29,0% dự toán năm, chiếm 24,2% tổng thu; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 5.627 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng thu; thu chuyển nguồn 3.000 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng thu.

Chi ngân sách Nhà nước: Tổng chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.619 tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán năm và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi đầu tư phát triển 2.900 tỷ đồng, tăng 36,8%, chiếm 51,6% tổng chi; chi thường xuyên 2.718 tỷ đồng, tăng 5,8%, chiếm 48,4%.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng Tư phát triển ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2023 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2023 ước đạt 5.627 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Bán lẻ hàng hóa 5.033 tỷ đồng, tăng 3,8%; lưu trú và ăn uống 321 tỷ đồng, tăng 26,3%; du lịch lữ hành 1 tỷ đồng, tăng 3,8%; dịch vụ khác 272 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước.

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm 2023 có quy mô cao nhất trong giai đoạn 2019-2023. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 22.099 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 412 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 1.239 triệu USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu hàng hóa giảm 11,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 269 triệu USD.

c. Giá cả

 Giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng; giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,43% so với tháng trước và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 4 tháng năm 2023, CPI tăng 3,08% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức giảm 0,43% của CPI tháng 4/2023 so với tháng trước có: 05 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm; 04 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng; 02 nhóm giá ổn định.

d. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải tháng Tư phát triển khá, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hành khách vận chuyển tháng 4/2023 tăng 5,5% và luân chuyển tăng 7,2% so với tháng trước; hàng hóa vận chuyển tăng 6,4% và luân chuyển tăng 4,6%.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 4/2023 ước đạt 577 tỷ đồng, tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 2.208 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách 469 tỷ đồng, tăng 16,9%; vận tải hàng hoá 1.654 tỷ đồng, tăng 12,7%; dịch vụ hỗ trợ vận tải 77 tỷ đồng, tăng 10,3% và bưu chính, chuyển phát 8 tỷ đồng, tăng 9,7%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Tháng 4, tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không có hộ thiếu đói. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế ổn định; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Thực hiện chính sách với người có công: Trong tháng 3/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công đối với 893 người có công và thân nhân người có công; giới thiệu tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám giám định 03 trường hợp.

           Công tác bảo trợ xã hội: Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trên 200 đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Tiếp nhận 03 đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm. Quản lý, thực hiện tốt các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các diện đối tượng đang quản lý tại Trung tâm

[1] Bỏ hoang 484 ha; chuyển sang đất phi nông nghiệp 300 ha (trong đó 176 ha chuyển sang làm đường giao thông); chuyển sang gieo trồng cây hàng năm khác 9,5 ha;…

[2] Tốc độ tăng IIP 4 tháng đầu năm so cùng kỳ giai đoạn 2017-2022 lần lượt là: Năm 2017 tăng 8,92%; năm 2018 tăng 9,02%; năm 2019 tăng 11,26%; năm 2020 tăng 3,55%; năm 2021 tăng 10,61% ; năm 2022 tăng 11,57%.

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng Thống kê Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây