Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2023

Thứ năm - 25/05/2023 22:55

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp tháng Năm tập trung chăm sóc lúa và rau màu vụ Xuân. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản xuất thủy sản đạt kết quả khá trong cả hoạt động nuôi trồng và khai thác.

 a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2023 đạt 91.896 ha lúa và cây rau màu các loại giảm 0,4% so với vụ Đông Xuân năm 2022; gồm 70.394 ha lúa và 21.502 ha cây rau màu các loại. Trong đó, vụ Đông gieo trồng 9.603 ha, tăng 1,7% và vụ Xuân 82.293 ha, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cây rau màu các loại: Toàn tỉnh gieo trồng 21.502 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngô 1.924 ha, giảm 3,5%; cây lấy củ có chất bột 2.431 ha, giảm 2,0%; cây có hạt chứa dầu 4.245 ha, giảm 1,4%; rau các loại 10.269 ha, tăng 1,4%; đậu đỗ các loại 571 ha, tăng 1,8%,… Thời tiết tương đối thuận lợi nên rau màu các loại sinh trưởng và phát triển tốt.

Chăn nuôi và thú y: Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; các cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô đàn, sản lượng gia cầm tăng khá. Chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các cơ sở hạn chế tái đàn hoặc mở rộng quy mô.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 69.413 tấn, tăng 1,3%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 15.642 tấn, tăng 4,7%. Sản lượng trứng gia cầm 211.668 nghìn quả, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.

b. Lâm nghiệp

Sản lượng gỗ khai thác 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.885 m3, tăng 1,1%; sản lượng củi ước đạt 4.390 ste, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng gỗ và củi khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn và được sử dụng tại chỗ phục vụ nhu cầu của người dân.

c. Thuỷ sản

Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thuỷ sản đạt 77.527 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 51.394 tấn, tăng 5,2%; khai thác 26.133 tấn, tăng 2,1%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng Năm duy trì ổn định, ước tăng 7,28% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,19% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,30%.

a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2023 tăng 7,28% so với tháng trước và tăng 14,76% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 35,13%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,37%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,45%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,86%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 13,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,30%, đóng góp 12,92 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,04%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,67%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 32,55%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.

Một số ngành công nghiệp cấp II chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành duy trì sản xuất ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,60%; dệt tăng 6,63%; sản xuất trang phục tăng 16,30%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,94%; chế biến gỗ và sản xuất sản xuất từ gỗ, tre, nứa tăng 20,71%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,16%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,82%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,19%;… Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 11,95%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 2,18%.

3. Đầu tư và xây dựng

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2023 được tỉnh Nam Định tập trung đẩy mạnh thực hiện, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư ước đạt 28% kế hoạch năm và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 2.401 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch năm và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Cấp tỉnh 2.198 tỷ đồng, đạt 28,1%, tăng 7,9%; cấp huyện 116 tỷ đồng, đạt 24,3%, tăng 131,6%; cấp xã 87 tỷ đồng, đạt 31,0%, tăng 29,1%.

Trong tháng, tỉnh tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Dự án Xây dựng cầu qua sông Đào; Tỉnh lộ 485B; Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; D án tuyến đường b mi Nam Định - Lc Qun - Đường b ven bin; Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện đa khoa tỉnh; Các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố;...

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.857 tỷ đồng, bằng 30,1% dự toán năm và bằng 74,5% so với cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quản lý Nhà nước.

Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 19.477 tỷ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.857 tỷ đồng, bằng 30,1% dự toán năm, chiếm 14,7% tổng thu; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 8.786 tỷ đồng, chiếm 45,1% tổng thu; thu chuyển nguồn 7.834 tỷ đồng, chiếm 40,2% tổng thu.

Chi ngân sách Nhà nước: Tổng chi ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.915 tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán năm và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.635 tỷ đồng, tăng 56,0%, chiếm 52,6% tổng chi; chi thường xuyên 3.280 tỷ đồng, tăng 4,5%, chiếm 47,4%.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng Năm tăng khá với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2023 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 14,0% so cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2023 ước đạt 5.697 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Bán lẻ hàng hóa 5.086 tỷ đồng, tăng 3,1%; lưu trú và ăn uống 328 tỷ đồng, tăng 2,6%; du lịch lữ hành 1 tỷ đồng, tăng 2,5%; dịch vụ khác 282 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm 2023 có quy mô cao nhất trong giai đoạn 2019-2023 và gấp 1,5 lần so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 27.698 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu

Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 351 triệu USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 1.491 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu hàng hóa giảm 12,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 427 triệu USD.

c. Giá cả

Giá lương thực trong nước tăng theo giá lương thực thế giới; giá điện, nước sinh hoạt và giá thực phẩm tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 5 tháng  năm 2023, CPI tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước[1].

Trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2023 so với tháng trước có: 06 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng; 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm; 02 nhóm giá ổn định.

d. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải tháng Năm duy trì ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hành khách vận chuyển tháng 5/2023 tăng 1,1% và luân chuyển tăng 1,2% so với tháng Tư - tháng có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn; hàng hóa vận chuyển tăng 7,3% và luân chuyển tăng 6,6%.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5/2023 ước đạt 670 tỷ đồng, tăng 6,0% so với tháng trước và tăng 28,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 2.934 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách 582 tỷ đồng, tăng 15,8%; vận tải hàng hoá 2.232 tỷ đồng, tăng 19,6%; dịch vụ hỗ trợ vận tải 109 tỷ đồng, tăng 18,4% và bưu chính, chuyển phát 11 tỷ đồng, tăng 17,9%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Đời sống dân cư

Tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh tháng 5 nhìn chung ổn định, không có trường hợp thiếu đói. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng sự chung tay góp sức của các đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các chương trình, chính sách hỗ trợ cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện chính sách với người có công: Trong tháng 4/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công đối với 2.295 người có công và thân nhân người có công; giới thiệu tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám giám định đối 08 trường hợp; đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 77 trường hợp.

Công tác bảo trợ xã hội: Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trên 200 đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Tiếp nhận 15 trẻ em khuyết tật còn khả năng tiếp thu nghề vào học nghề, phục hồi chức năng tại Trung tâm.

Công tác giảm nghèo: Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính từ đầu năm đến hết tháng 4 năm 2023 doanh số cho vay hộ nghèo là 11.175 triệu đồng với 146 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 76.398 triệu đồng với 989 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 94.392 triệu đồng với 1.229 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay giải quyết việc làm 74.866 triệu đồng với 1.028 lượt khách hàng; doanh số cho vay đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 24.449 triệu đồng với 185 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 124.233 triệu đồng với 6.215 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội 9.050 triệu đồng với 20 lượt khách hàng.


[1] Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân các năm 2019-2023 so với năm trước lần lượt là: tăng 4,15%; tăng 5,69%; giảm 0,73%; tăng 2,36%; tăng 2,72%.

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng Thống kê Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây