1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 01/2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào thu hoạch cây vụ Đông và chuẩn bị các điều kiện để gieo trồng cây vụ Xuân. Hoạt động chăn nuôi được duy trì, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát. Sản xuất thuỷ sản phát triển ổn định, ngư dân tích cực ra khơi bám biển phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán.
a. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Trong tháng, các địa phương tập trung thu hoạch cây vụ Đông và đẩy nhanh tiến độ làm đất, lấy nước để chuẩn bị triển khai vụ Xuân 2023.
Sản xuất vụ Đông: Theo kết quả tổng hợp nhanh, toàn tỉnh gieo trồng 9.603 ha cây rau màu các loại, tăng 1,7% so với vụ Đông năm 2022. Trong đó, ngô 1.036 ha, giảm 2,3%; khoai lang 268 ha, giảm 0,7%; khoai tây 1.783 ha, giảm 0,7%; đậu tương 68 ha, giảm 2,9%; lạc 83 ha, giảm 0,7%; rau các loại 5.508 ha, tăng 0,6%; cây hàng năm khác 417 ha, tăng 65,9%.
Chăn nuôi và thú y: Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do chi phí sản xuất ở mức cao, lợi nhuận của người chăn nuôi thấp, người dân hạn chế tái đàn hoặc mở rộng quy mô.
Dự ước tháng 01/2023, đàn trâu có 7.680 con, tăng 0,6% (+45 con); đàn bò 27.995 con, giảm 0,8% (-214 con) so với cùng kỳ năm trước.
Đàn lợn 592.028 con, giảm 7,9% (-50.434 con); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 01/2023 ước đạt 15.056 tấn, giảm 7,4% (-1.200 tấn) so với cùng kỳ năm 2022; trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 86 kg/con.
Đàn gia cầm 9.759 nghìn con, tăng 2,3% (+218 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước; trong đó đàn gà 7.156 nghìn con, tăng 2,9% (+200 nghìn con). Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 01/2023 ước đạt 3.725 tấn, tăng 6,2% (+218 tấn); trong đó sản lượng gà hơi xuất chuồng 2.871 tấn, tăng 6,4% (+172 tấn). Sản lượng trứng gia cầm 43.114 nghìn quả, tăng 6,4% (+2.604 nghìn quả); trong đó sản lượng trứng gà 18.515 nghìn quả, tăng 6,6% (+1.140 nghìn quả).
b. Lâm nghiệp
Sản lượng gỗ khai thác tháng 01/2023 ước đạt 360 m3, tăng 0,6% (+2 m3); sản lượng củi ước đạt 1.030 ste, tăng 0,7% (+7 ste) so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng gỗ và lâm sản khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn, chủ yếu được khai thác từ diện tích cây phân tán.
c. Thuỷ sản
Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 01/2023 đạt 12.604 tấn, tăng 2,5% (+307 tấn) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 8.508 tấn, tăng 2,8% (+230 tấn); khai thác 4.096 tấn, tăng 1,9% (+77 tấn).
Hiện nay, các cơ sở sản xuất giống thủy sản tiếp tục chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cho vụ sản xuất năm 2023, tập trung chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố mẹ, tu sửa vệ sinh các công trình phụ trợ sinh sản nhân tạo.
2. Sản xuất công nghiệp
a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 ước giảm 11,85% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong tháng Một nên số ngày làm việc ít hơn[1].
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 giảm 23,07% so với tháng trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 34,71%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 23,55%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 10,50%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 3,99%.
So với cùng kỳ năm trước[2], chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 giảm 11,85%. Trong đó, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,14%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức chung; ngành khai khoáng giảm 14,51%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo giảm 12,24%, làm giảm 11,79 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 4,28%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp cấp II chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tháng 01/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 2,73%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,19%;… Nhiều ngành có chỉ số sản xuất giảm như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 2,34%; dệt giảm 6,39%; sản xuất trang phục giảm 13,09%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 51,41%; sản xuất kim loại giảm 20,18%;…
3. Đầu tư và xây dựng
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Ngay từ đầu năm, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình, nhất là dự án hạ tầng giao thông để tăng cường giao thương và liên kết vùng tạo động lực phát triển kinh tế thời gian tới.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2023 ước thực hiện 478 tỷ đồng, đạt 5,6% kế hoạch năm, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 439 tỷ đồng, đạt 5,6%, tăng 40,7%; vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 16 tỷ đồng, đạt 3,4%, gấp 2,4 lần; vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã 23 tỷ đồng, đạt 8,0%, tăng 33,8%.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng Một ước đạt 695 tỷ đồng, bằng 49,8% so với cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác phòng, chống dịch bệnh.
5. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a. Tình hình nội thương
Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng Một diễn ra sôi động do nhu cầu tiêu dùng và mua sắm dịp Tết Nguyên đán của người dân tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01/2023 tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01/2023 ước đạt 5.810 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022. Xét theo ngành hoạt động:
Doanh thu hoạt động thương nghiệp 5.189 tỷ đồng, chiếm 89,3% tổng mức và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước một số nhóm hàng phục vụ Tết tăng: Lương thực, thực phẩm tăng 5,0%; hàng may mặc tăng 4,4%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 3,7%; hàng hóa khác tăng 6,2%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 9,1%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 331 tỷ đồng, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành lưu trú 19 tỷ đồng và 55 nghìn lượt khách, giảm 23,7% doanh thu và 32,1% lượt khách; ngành ăn uống đạt 312 tỷ đồng, tăng 21,0%.
Doanh thu du lịch lữ hành 1 tỷ đồng và 2 nghìn lượt khách, tăng 155,9% doanh thu và tăng 77,9% lượt khách. Doanh thu dịch vụ khác 289 tỷ đồng, giảm 6,0%.
b. Xuất, nhập khẩu
Tháng Một, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 312 triệu USD, giảm 9,4% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 24,3%, trong đó xuất khẩu giảm 19,8%; nhập khẩu giảm 32,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 120 triệu USD.
c. Giá cả
Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 5,78% so với tháng 01/2022.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 5,78%; chỉ số giá vàng tăng 9,89% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,81%.
d. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải tháng Một nhộn nhịp hơn các tháng trước do đây là tháng Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa đều tăng cao. Hành khách vận chuyển tăng 14,2% và luân chuyển tăng 16,7% so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển tăng 4,9% và luân chuyển tăng 1,6%.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Xuân Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm; đảm bảo cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết; hạn chế tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội; quan tâm, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chính sách với người có công: Trong tháng 12/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công đối với 935 người có công và thân nhân người có công; giới thiệu tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám giám định 06 trường hợp; trình UBND tỉnh đề nghị tặng quà cho người có công và thân nhân liệt sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân của họ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh quan tâm bằng các hành động thiết thực, cụ thể: Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Bắc Nam Định tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ gia đình tại các huyện Mỹ Lộc, Trực Ninh và Nam Trực với tổng kinh phí là 1.148 triệu đồng; Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup), Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam thăm và trao tặng 25 suất quà Tết, mỗi suất trị giá 600 nghìn đồng cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn