Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023

Thứ sáu - 29/09/2023 02:51

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Kinh tế tỉnh Nam Định 9 tháng năm 2023 tăng trưởng 9,06% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao trong vùng và cả nước. Cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công của tỉnh đã phát huy hiệu quả.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2023 theo giá so sánh 2010 ước đạt 41.611 tỷ đồng, tăng 9,06% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,33%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,47%, đóng góp 5,58 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,11%, đóng góp 2,56 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,84%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm.

Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định (GRDP) 9 tháng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 73.853 tỷ đồng, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2022. Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 18,40%; khu vực công nghiệp và xây dựng 43,82%; khu vực dịch vụ 34,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,04% (Cơ cấu tương ứng 9 tháng năm 2022: 19,36%; 42,16%; 35,44%; 3,04%).

2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

  a. Hoạt động tài chính

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2023 ước đạt 5.385 tỷ đồng, bằng 56,7% dự toán năm và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 22.275 tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5.385 tỷ đồng, chiếm 24,2% tổng thu và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 8.841 tỷ đồng, chiếm 39,7% và tăng 15,3%; thu chuyển nguồn 7.838 tỷ đồng, chiếm 35,2% và tăng 58,1%.

Chi ngân sách Nhà nước: Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 12.101 tỷ đồng, bằng 63,4% dự toán năm và tăng 25,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 5.950 tỷ đồng, tăng 55,1% và chiếm 49,2% tổng chi; chi thường xuyên 6.150 tỷ đồng, tăng 5,3% và chiếm 50,8%.

b. Hoạt động ngân hàng

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm, kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm, nhất là những chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 115.852 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: huy động bằng ngắn hạn chiếm 88,6% tổng nguồn vốn và huy động trung, dài hạn chiếm 11,4%. Phân theo khách hàng vay: huy động từ dân cư chiếm 89,2% và tăng 40,1%; huy động từ các tổ chức kinh tế chiếm 10,8% và bằng 67,8% so với cùng kỳ năm trước.

c. Hoạt động bảo hiểm

Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tỷ lệ người tham gia BHYT ước đạt 90,6% dân số.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển. Năng suất lúa vụ Xuân và các loại cây trồng đạt khá. Chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh an toàn trên đàn gia súc, gia cầm. Hoạt động lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Sản lượng thủy sản tăng khá, tập trung khai thác tốt các lợi thế của địa phương.

a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2023 ước đạt 171.867 ha, giảm 0,7% so với năm trước; trong đó: vụ Đông 9.603 ha cây rau màu các loại, tăng 1,7%; vụ Xuân 82.293 ha lúa và rau màu các loại, giảm 0,7%; vụ Mùa 79.971 ha lúa và cây rau màu các loại, giảm 1,1%. Tính chung cả năm, diện tích lúa gieo trồng 141.554 ha và cây rau màu các loại 30.313 ha.

Cây lúa: Diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 141.554 ha, giảm 1,0% so với năm trước; gồm 70.394 ha lúa Xuân và 71.160 ha lúa Mùa. Diện tích giảm chủ yếu do bỏ hoang, phục vụ quá trình đô thị hóa và các dự án hạ tầng giao thông,…

Chăn nuôi và thú y: Thời điểm cuối tháng 9/2023, đàn trâu ước có 7.606 con, tăng 0,4%; đàn bò 28.218 con, giảm 1,1%; đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) 583.951 con, giảm 0,5% so với cùng thời điểm năm 2022.

Đàn gia cầm 9.594 nghìn con, tăng 2,2%; trong đó đàn gà 6.847 nghìn con, tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm 2022.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 9 tháng năm 2023 ước đạt 150.988 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 113.454 tấn, tăng 2,9%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 27.646 tấn, tăng 5,5%. Sản lượng trứng gia cầm 370.881 nghìn quả, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.

b. Lâm nghiệp

Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng năm 2023 ước đạt 3.139 m3, tăng 2,1%; sản lượng củi ước đạt 9.675 ste, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng gỗ và củi khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn và được sử dụng tại chỗ phục vụ nhu cầu của người dân.

c. Thuỷ sản

Sản lượng thuỷ sản tháng 9/2023 ước đạt 18.758 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng, sản lượng thuỷ sản đạt 145.812 tấn, tăng 4,1%  so với cùng kỳ năm trước; trong đó: sản lượng nuôi trồng 99.301 tấn và sản lượng khai thác 46.511 tấn.

4. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao,... Các doanh nghiệp đã chủ động hơn về kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi và duy trì sản xuất. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tăng 13,96% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 14,45% của 9 tháng năm 2022.

a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 tăng 4,17% so với tháng trước và tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2022. So với tháng trước, ngành khai khoáng giảm 5,10%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,32%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 4,60%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,84%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tăng 13,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,13%, đóng góp 13,72 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,87%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,89%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 23,45%, làm giảm 0,09 điểm phần trăm.

b. Sản phẩm sản xuất chủ yếu

Sản phẩm công nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng khá so với cùng kỳ năm 2022. Một số nhóm sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước: bánh kẹo các loại tăng 6,83%; bia hơi tăng 16,37%; vải các loại tăng 19,44%; quần áo may sẵn tăng 9,97%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 13,92%; sản phẩm in tăng 19,28%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 5,94%; thủy hải sản đông lạnh khác (trừ tôm, cá, mực) tăng 3,0%;... Bên cạnh đó, một sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: thịt lợn đông lạnh giảm 1,60%; muối chế biến giảm 17,69%; khăn các loại giảm 10,56%; giày, dép giảm 9,35%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 5,34%; bàn ghế gỗ các loại giảm 19,60%; đồ chơi giảm 2,38%.

c. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2023 giảm 1,83% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số này tăng 7,55% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2023 giảm 0,84% so với cùng thời điểm năm trước

d. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 10,64% so với cùng kỳ năm trước.

5. Đầu tư và xây dựng

Hoạt động đầu tư và xây dựng 9 tháng năm 2023 đạt mức tăng khá: Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành tăng 12,8%; giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 14,6% cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Nam Định trong việc đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

a. Đầu tư

Vốn đầu tư trên địa bàn: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 9 tháng năm 2023 ước đạt 36.038 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn Nhà nước 6.653 tỷ đồng, chiếm 18,5% và tăng 14,6%; vốn ngoài Nhà nước 26.368 tỷ đồng, chiếm 73,1%tăng 12,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.017 tỷ đồng, chiếm 8,4% và tăng 13,0%.

Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 4.700 tỷ đồng, đạt 52,9% kế hoạch năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 4.270 tỷ đồng, đạt 52,6% và tăng 12,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 257 tỷ đồng, đạt 53,8% và tăng 101,0%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 173 tỷ đồng, đạt 61,4% và tăng 26,4%.

Thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến ngày 15/9/2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 36 dự án (bao gồm 25 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 1.835,3 tỷ đồng và 181,9 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 10 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 178,5 triệu USD.

Chín tháng năm 2023, UBND tỉnh Nam Định đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư VSIP trong chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tới Việt Nam tháng 8/2023. Ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta có tổng mức đầu tư 120 triệu USD; ký thỏa thuận với Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) phát triển dự án đầu tư 100 triệu USD và Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) phát triển dự án đầu tư 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án SANBANG PTE.LTD (Singapore) sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY tại Khu công nghiệp Rạng Đông,… Đây là các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

b. Xây dựng

Kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu và lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao, song hoạt động xây dựng phát triển tích cực và đạt kết quả khá do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân tăng; các dự án lớn, công trình trọng điểm của Nhà nước, công trình xây dựng hạ tầng KCN, CCN, nhà máy sản xuất của các tập đoàn lớn được quan tâm thực hiện. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng sản xuất ngành xây dựng: Kết quả khảo sát tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Nam Định trong quý III/2023 cho thấy: 84,8% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định; 15,2% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn, giảm 12,1%. Dự báo quý IV/2023, hoạt động sản xuất các doanh nghiệp xây dựng khó khăn hơn quý III/2023 với 78,8% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định; 21,2% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn, tăng 6,0%.

6. Hoạt động của doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký kinh doanh

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2023 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 7,4% với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng 30,0% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 cho thấy: Có 71,63% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định[1]; 28,37% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý II/2023. Dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan hơn trong quý IV/2023 với 85,11% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III/2023.

Trong quý III/2023, có 48,94% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên; 22,69% số doanh nghiệp SXKD giữ ổn định và 28,37% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn so với quý II/2023. Dự báo qIV/2023, có 56,74% số doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên; 28,37% giữ ổn định và 14,89% khó khăn hơn so với quý III/2023. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 100% doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định so với quý III/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 84,48% và 57,14%.

7. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa được thúc đẩy góp phần duy trì tăng trưởng hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2023 tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,3% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 43,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9/2023 ước đạt 5.672 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: bán lẻ hàng hóa 5.047 tỷ đồng, tăng 1,1%; lưu trú và ăn uống 335 tỷ đồng, tăng 4,1%; du lịch lữ hành 1 tỷ đồng, tăng 1,2%; dịch vụ khác 289 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng năm 2023 đạt 50.401 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với 9 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 và tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu

Tháng Chín, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, ước đạt 411 triệu USD, tăng 8,6% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 3.002 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 9,7%, nhập khẩu giảm 11,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2023 xuất siêu 896 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 8/2023 đạt 252 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 271 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.949 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: khu vực Nhà nước 35 triệu USD, giảm 17,3%; khu vực ngoài Nhà nước 534 triệu USD, giảm 17,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.380 triệu USD, giảm 6,2%. Mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng may mặc, da giầy và lâm sản.

c. Giá cả

Giá gas, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm tăng theo nhu cầu của người dân là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước[2].

Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng tăng 0,81% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,46%. Trong 11 nhóm hàng hóa có 08 nhóm tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng nhiều nhất 17,81%; ba nhóm giảm là nhóm giao thông (giảm 5,38%); nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,73%), nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,98%).

d. Giao thông vận tải                                  

Hoạt động vận tải 9 tháng năm 2023 duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa; đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vận chuyển hành khách tăng 11,3% và luân chuyển tăng 9,1%; vận chuyển hàng hóa tăng 18,8% và luân chuyển hàng hóa tăng 17,4%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Chín tháng năm 2023, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả. Dịch Covid-19 được kiểm soát; một số dịch bệnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Ngành Giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023; duy trì thành tích cao tại các kỳ thi. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được duy trì; thể thao thành tích cao có những thành tích đáng ghi nhận. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 81,7 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách với người có công: Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ, tri ân những người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân quan tâm bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Tháng 8/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công đối với 1.412 đối tượng người có công và thân nhân người có công; giới thiệu 12 trường hợp tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám giám định; trình UBND tỉnh, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 28 trường hợp. Quyết định hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở đối với 01 thân nhân liệt sĩ; hướng dẫn triển khai Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ; đưa, đón 877 người có công và thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung.

Công tác bảo trợ xã hội: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trên 230 đối tượng đang quản lý; tiếp nhận 05 đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 17 trẻ em khuyết tật còn khả năng tiếp thu nghề vào học nghề, phục hồi chức năng tại Trung tâm.

Việc chăm lo Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội được các cấp, các ngành của tỉnh tích cực thực hiện. Các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức phù hợp ủng hộ tiền, gạo, thực phẩm, bánh chưng, nhu yếu phẩm thiết yếu; quần áo ấm, khám chữa bệnh, cấp thuốc, tu sửa nhà dột nát. Kết quả, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đi thăm, tặng quà các đối tượng bảo trợ xã hội 152.300 suất quà, trị giá hơn 43,42 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo: Giảm nghèo bền vững là một tiêu chí quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 06/01/2023 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022; tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) là 4,77%, trong đó: tỷ lệ hộ nghèo 1,32% và hộ cận nghèo 3,45%.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, tính đến hết tháng 8/2023 doanh số cho vay hộ nghèo là 21.488 triệu đồng với 291 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ cận nghèo 126.359 triệu đồng với 1.660 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo 163.474 triệu đồng với 2.168 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay giải quyết việc làm 101.099 triệu đồng với 1.510 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 24.689 triệu đồng với 187 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 189.688 triệu đồng với 9.491 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội 36.645 triệu đồng với 76 lượt khách hàng.

Giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Ước 9 tháng năm 2023 giải quyết việc làm mới cho khoảng 24.500 lượt người (đạt khoảng 76,56% kế hoạch năm 2023).

Từ 16/12/2022 đến 31/8/2023 có 9.394 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 138.081,6 triệu đồng; số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề 116 người, số tiền hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp 552,2 triệu đồng.



[1] Tỷ lệ tương ứng ở quý I/2022 là 64,96%; quý II/2022 là 87,78%; quý III/2022 là 87,79%; quý IV/2022 là 76,34%; quý I/2023 là 78,64% ; quý II/2023 là 81,56%.

[2] Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân các năm 2019-2023 so với năm trước lần lượt là: tăng 3,77%; tăng 4,70%; giảm 0,16%; tăng 3,04%; tăng 2,39%.

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Linh - Phòng Thống kê Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây