Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023

Thứ năm - 28/12/2023 02:16

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)

Kinh tế tỉnh Nam Định năm 2023 tăng trưởng 10,19% so với năm trước, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Quy mô kinh tế cán mốc 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 33/63 cả nước và 9/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2023 theo giá so sánh 2010 ước đạt 58.253 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm 2022, là mức tăng cao trong vùng (3/11) và cả nước (6/63). Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,45%, đóng góp 0,66 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,95%, đóng góp 6,68 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,40%, đóng góp 2,64 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,38%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 103.596 tỷ đồng, tăng 13,41% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người giá hiện hành đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12,0% so với năm trước.

Về cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng 44,77%; khu vực dịch vụ 34,30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,10% (Cơ cấu tương ứng năm 2022: 19,39%; 42,65%; 34,78%; 3,18%).

2. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

a. Hoạt động tài chính

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 cán mốc 10.000 tỷ đồng, hoàn thành sớm 02 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 28.812 tỷ đồng, tăng 22,0% so với năm 2022, trong đó: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10.010 tỷ đồng, bằng 105,4% dự toán năm, chiếm 34,7%; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 10.764 tỷ đồng, chiếm 37,4%; thu chuyển nguồn 7.838 tỷ đồng, chiếm 27,2%.

Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 25.142 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2022, trong đó: chi đầu tư phát triển 9.300 tỷ đồng, tăng 72,5%, chiếm 37,0% tổng chi; chi thường xuyên 8.860 tỷ đồng, tăng 7,0%, chiếm 35,2%; chi các nhiệm vụ khác 6.980 tỷ đồng, chiếm 27,8%.

b. Hoạt động ngân hàng

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm, kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu năm 2023 duy trì ở mức dưới 3% theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/12/2023 ước đạt 118.200 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng thời điểm năm 2022.

Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 102.485 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2022. Phân theo loại tiền tệ: cho vay bằng VND chiếm 97,3% và tăng 9,8%; cho vay bằng ngoại tệ chiếm 2,7% và giảm 4,0%.

c. Hoạt động bảo hiểm

Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,5% dân số.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, xây dựng nông thôn mới

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Năng suất một số cây trồng chủ yếu tăng so với năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Hoạt động lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất; sản lượng và hiệu quả kinh tế nâng lên. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.

a. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Năm 2023, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 171.867 ha, giảm 0,7% so với năm trước; trong đó: vụ Đông 9.603 ha cây rau màu các loại, tăng 1,7%; vụ Xuân 82.293 ha lúa và rau màu các loại, giảm 0,7%; vụ Mùa 79.971 ha lúa và cây rau màu các loại, giảm 1,1%. Tính chung cả năm, diện tích lúa gieo trồng 141.553 ha và cây rau màu các loại 30.314 ha.

Cây lúa: Diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 141.553 ha, giảm 1,0% so với năm 2022; gồm 70.394 ha lúa Xuân và 71.159 ha lúa Mùa. Diện tích giảm chủ yếu do bỏ hoang, phục vụ quá trình đô thị hóa và các dự án hạ tầng giao thông,… Năng suất lúa cả năm đạt 61,17 tạ/ha, tăng 0,1%; sản lượng đạt 865.865 tấn, giảm 0,9%.

Chăn nuôi và thú y: Thời điểm cuối tháng 12/2023, đàn trâu ước có 7.815 con, tăng 0,5%; đàn bò 27.246 con, giảm 1,4%; đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) 559.732 con, giảm 4,4% so với cùng thời điểm năm 2022.

Đàn gia cầm 9.858 nghìn con, tăng 2,2%; trong đó đàn gà 7.105 nghìn con, tăng 2,0% so với cùng thời điểm năm 2022.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại năm 2023 ước đạt 186.976 tấn, giảm 2,0% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 137.993 tấn, giảm 3,9%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 36.506 tấn, tăng 6,2%. Sản lượng trứng gia cầm 476.228 nghìn quả, tăng 6,2% so với năm 2022.

b. Lâm nghiệp

Tính đến ngày 15/12/2023, toàn tỉnh trồng mới 9,31 ha và trồng phục hồi bổ sung 60 ha rừng, trồng 1,1 triệu cây phân tán các loại.

Sản lượng khai thác gỗ và củi được khai thác trên địa bàn tỉnh không lớn, chủ yếu phục vụ xây dựng tại chỗ. Sản lượng gỗ khai thác năm 2023 ước đạt 4.729 m3, tăng 3,2%; sản lượng củi 12.635 ste, tăng 2,4% so với năm trước.

c. Thuỷ sản

Các cơ sở nuôi trồng, khai thác thuỷ sản tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh tế. Sản lượng thuỷ sản năm 2023 ước đạt 194.648 tấn, tăng 4,5% so với năm trước; trong đó: sản lượng nuôi trồng 134.940 tấn và sản lượng khai thác 59.708 tấn.

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 134.940 tấn, tăng 5,6% so với năm 2022; trong đó: sản lượng cá chiếm tỷ trọng lớn nhất với 70.034 tấn, chiếm 51,9% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, tăng 5,8%; sản lượng tôm đạt 7.805 tấn, chiếm 5,8%, giảm 0,03%; hải sản khác đạt 57.101 tấn, chiếm 42,3%, tăng 6,1

Sản lượng thủy sản khai thác 59.708 tấn, tăng 2,0% so với năm trước, trong đó: sản lượng khai thác biển đạt 57.100 tấn, tăng 2,0%; sản lượng khai thác nội địa đạt 2.608 tấn, tăng 1,5%.

d. Xây dựng nông thôn mới

Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao (đạt 93,6%) và 25/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 13,3%); có 98 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.

4. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm tiếp tục khởi sắc; các doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2023 ước tăng 21,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,58% so với năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,78%.

a. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2023 giảm 0,27% so với tháng trước và tăng 21,12% so với cùng kỳ năm 2022. So với tháng trước, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 7,66%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,33%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,77%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,73%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 ước tăng 14,58% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,78%, đóng góp 14,36 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,42%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,55%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 20,54%, làm giảm 0,08 điểm phần trăm.

b. Sản phẩm sản xuất chủ yếu

Khối lượng sản phẩm công nghiệp năm 2023 tăng khá so với năm 2022. Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với năm trước: sản phẩm mây tre đan các loại tăng 17,31%; sản phẩm in tăng 21,70%; nước uống được tăng 10,19%; bia hơi tăng 14,98%; phụ tùng xe có động cơ tăng 13,61%; vải các loại tăng 9,45%;... Bên cạnh đó, một sản phẩm giảm so với năm trước: khăn các loại giảm 14,25%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 15,57%; thuốc dạng lỏng các loại giảm 10,64%.

c. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 giảm 1,76% so với tháng trước. Tính chung năm 2023, chỉ số này tăng 9,11% so với năm 2022.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2023 tăng 9,69% so với cùng thời điểm năm trước. 

d. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 12/2023 giảm 0,65% so với tháng trước và tăng 10,00% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 11,33% so với năm trước.

5. Đầu tư và xây dựng

Hệ thống kết cấu hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư, các công trình trọng điểm tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả tích cực, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng cao cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh.

a. Đầu tư

Vốn đầu tư trên địa bàn: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2023 ước đạt 55.565 tỷ đồng, tăng 17,0% so với năm trước; trong đó: vốn Nhà nước 10.749 tỷ đồng, chiếm 19,4% và tăng 20,3%; vốn ngoài Nhà nước 40.153 tỷ đồng, chiếm 72,2%tăng 16,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.663 tỷ đồng, chiếm 8,4% và tăng 18,2%.

Thu hút đầu tư: Năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai sôi động, có trọng tâm trọng điểm và đạt tín hiệu rất tích cực, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư tại Nam Định, tạo cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến ngày 20/12/2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án (bao gồm 39 dự án đầu tư trong nước và 20 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 2.412 tỷ đồng và 332 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 19 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 328 triệu USD.

b. Xây dựng

Xu hướng sản xuất ngành xây dựng: Kết quả khảo sát tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Nam Định trong quý IV/2023 cho thấy: 89,4% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định; 10,6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn, giảm 4,6%. Dự báo quý I/2024, hoạt động sản xuất các doanh nghiệp xây dựng khó khăn hơn quý IV/2023 với 74,2% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định; 25,8% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

6. Hoạt động của doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký kinh doanh

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2023 tăng 13,2% với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng 14,1% so với năm 2022. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 98,8% so với năm trước.

b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 cho thấy: Có 71,63% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định, 28,37% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý I/2024 xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khả quan hơn quý IV/2023 với 80,14% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định.

Trong quý IV/2023, có 44,68% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên; 26,95% số doanh nghiệp SXKD giữ ổn định và 28,37% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn so với quý III/2023. Dự báo qI/2024, có 39,01% số doanh nghiệp dự báo tình hình SXKD tốt lên; 44,13% giữ ổn định và 19,86% khó khăn hơn so với quý IV/2023.

7. Thương mại, dịch vụ, giá cả

a. Tình hình nội thương

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng Mười Hai diễn ra khá sôi động do có các ngày lễ cuối năm và chào mừng năm mới 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2023 tăng 8,8% so với tháng trước, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 68.598 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12/2023 ước đạt 6.481 tỷ đồng, tăng 8,8% so với tháng trước, trong đó: bán lẻ hàng hóa 5.805 tỷ đồng, tăng 9,0%; lưu trú và ăn uống 351 tỷ đồng, tăng 5,5%; du lịch lữ hành 1 tỷ đồng, tăng 4,3%; dịch vụ khác 324 tỷ đồng, tăng 8,1% so với tháng trước.

Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 có quy mô cao nhất trong giai đoạn 2019-2023 nhưng tốc độ tăng thấp hơn năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2023 đạt 68.598 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 và tăng 13,8% so với năm trước

b. Xuất nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 394 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.971 triệu USD, giảm 9,2% so với năm 2022; trong đó xuất khẩu hàng hóa giảm 11,4%, nhập khẩu hàng hóa giảm 5,0%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1.109 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa: Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.540 triệu USD, giảm 11,4% so với năm 2022, trong đó: khu vực Nhà nước 36 triệu USD, giảm 26,0%; khu vực ngoài Nhà nước 683 triệu USD, giảm 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.821 triệu USD, giảm 8,2%.

Nhập khẩu hàng hóa: Tính chung năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 1.431 triệu USD, giảm 5,0% so với năm 2022, trong đó: khu vực Nhà nước 33 triệu USD, tăng 11,3%; khu vực ngoài Nhà nước 372 triệu USD, giảm 12,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.026 triệu USD, giảm 2,4%.

c. Giá cả

Giá xăng dầu giảm theo giá thế giới, giá các thiết bị văn hóa giảm là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 2,13% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,31% so với năm 2022.

Trong mức giảm 0,05% của CPI tháng 12/2023 so với tháng trước, có 02 nhóm hàng giảm giá; 06 nhóm hàng tăng giá và 03 nhóm giá ổn định.

Bình quân năm 2023, CPI tăng 2,31% so với năm trước; chỉ số giá vàng tăng 2,14% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,98%. Trong 11 nhóm hàng hóa có 08 nhóm tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng nhiều nhất 13,36%; ba nhóm giảm là nhóm giao thông; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.

d. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải năm 2023 tăng trưởng tích cực đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân và vận chuyển hàng hoá. Vận chuyển hành khách tăng 11,0% và luân chuyển tăng 7,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,4% và luân chuyển tăng 15,7% so với năm trước.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 12/2023 ước đạt 819 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 8.046 tỷ đồng, tăng 20,8% so với năm 2022, trong đó: vận tải hành khách 1.487 tỷ đồng, tăng 15,0%; vận tải hàng hoá 6.247 tỷ đồng, tăng 22,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải 281 tỷ đồng, tăng 23,9% và bưu chính, chuyển phát 31 tỷ đồng tăng 44,6%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số và lao động

Dân số trung bình tỉnh Nam Định năm 2023 là 1.887.099 người. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện: Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng giảm. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 97,0 triệu đồng/lao động, tăng 12,3% so với năm 2022.

a. Dân số

Dân số trung bình năm 2023 là 1.887.099 người, tăng 0,5% so với năm 2022. Trong tổng dân số, dân số thành thị 385.408 người, chiếm 20,4%; dân số nông thôn 1.501.691 người, chiếm 79,6%; dân số nam 924.619 người, chiếm 49,0%; dân số nữ 962.480 người, chiếm 51,0%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2023 là 96,1 nam/100 nữ.

b. Lao động

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 1.067.956 người, chiếm 56,6% dân số. Bao gồm 311.843 người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 7,6% so với năm trước, chiếm 29,20% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 446.229 người, tăng 4,7%, chiếm 41,79%; khu vực dịch vụ 309.814 người, tăng 2,8%, chiếm 29,01%.

2. Đời sống dân cư

Năm 2023, tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh nhìn chung được cải thiện. Kinh tế dần hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được các cấp, các ngành quan tâm và đảm bảo; giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt ổn định.

Mức sống dân cư: Thu nhập bình quân một người một tháng theo giá hiện hành năm 2023 đạt 5.870 nghìn đồng, tăng 15,1% so với năm 2022 (770 nghìn đồng). Trong đó: khu vực thành thị 7.513 nghìn đồng, tăng 15,7%; khu vực nông thôn 5.452 nghìn đồng, tăng 10,0% so với năm trước.

Trong dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, các cấp, các ngành tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí khoảng 188 tỷ đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây